Mục lục
Mô tả cây
- Cây thân thảo, cao 0,5m, phân nhiều cành, thân có lông. Toàn cây có nhựa mủ độc màu trắng, dây vào mắt có thể làm mù mắt.
- Lá mọc so le, hình mũi mác, gốc thuôn,đầu nhọn, mép có răng thưa, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt.
- Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, lưỡng tính, không đều, 5 lá đài răng nhọn, 5 cánh hoa liền nhau thành một ống dài tới 10cm, màu trắng, 5 nhị dính liền nhau bởi bao phấn thành một ống bao quanh vòi nhụy, còn chỉ nhị vẫn rời nhau, 2 lá noãn, bầu hạ. Một vòi dài tận cùng tới đầu nhụy hai thuỳ.
- Quả nang, hình trứng hoặc hình cầu, có đài tồn tại, hai ngăn chứa nhiều hạt nhỏ.
- Mùa ra hoa: tháng 5 – 6.
- Mùa ra quả: tháng 7 – 8.
Phân bố, sinh thái
- Cây vốn nguồn gốc ở Pêru (Nam Mỹ), sau được du nhập sang vùng Địa Trung Hải, châu Phi. Hiện nay, cây mọc hoang dại và được trồng ở nhiều nước Châu Á, cây có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Malaysia và Việt Nam.
- Ở Việt Nam, Mù mắt mọc tự nhiên rải rác ở vùng núi cao trên 1300m như Mù Cang Chải (Yên Bái), Yên Minh, Quản Bạ ( Hà Giang ), Bắc Hà ( Lào Cai).Cây thường mọc lẫn trong các trảng cỏ ở đồi, nương rẫy, các bãi hoang hay ven đường đi. Cây ra hoa quả nhiều, khi quả già tự mở để hạt phát tán ra xung quanh. Có hiện tượng rụng lá và hơi tàn lụi vào mùa đông.
- Mù mắt ở Việt Nam có thể xếp vào diện những loài hiếm. Trong quá trình điều tra ở các địa phương, thỉnh thoảng mới gặp một vài cá thể. Cần lưu ý bảo tồn.
- Thường ít được thu hái, do tính chất gây kích ứng của nhựa mủ. Muốn dùng cây này, người ta thu hái toàn bộ phận trên mặt đất vào lúc cây kết quả và gần chín. Thu hái về thái nhỏ, phơi hay sấy khô.
Thu hái và chế biến
- Cây thu hái vào lúc quả gần chín.
- Thái nhỏ và phơi khô, sấy khô.
- Dùng toàn thân cây.
- Cây có độc, phải đặc biệt chú ý tránh nhầm lẫn.
Thành phần hóa học
- Từ cây có thể chiết được một chất độc kết tính là alcaloid gọi là isotomin có tác dụng tương tư như lobelin.
- Toàn cây hoa dài chứa nhựa hắc mủ rất đắng gây kích ứng mắt, nêm vào có cảm giác nóng bỏng.
Tác dụng dược lý
Năm 1945, Sanchez G. c. đã nghiên cứu tác dụng dược lý của cây này (1945, Parmacologia de la Isotoma Longiflorum, Rev. Med. Experim. (Lima) 4 (4) tr. 284-318:
Tiêm thuốc vào mạch máu làm tăng biên độ và tần số nhịp hô hấp, kèm theo một thời gian ngắn xỉu xuống liền theo một giai đoạn kích thích dài. Tác dụng kích thích hô hấp này kèm theo tăng huyết áp và lá lách bi co bóp. Với liều cao, hiện tượng tăng huyết áp kèm theo một giai đoạn hạ huyết áp. Tóm lại tác dụng của vị thuốc rất giống tác dụng của chất lobelin.
Theo một số tài liệu nước ngoài cây hoa dài có độc, dùng bằng đường uống có tác dụng gây tẩy xổ mạnh, có thể dẫn đến tử vong. Cây cũng rất độc đối với ngựa. Dịch nhựa của cây qua tiếp xúc gây viêm và bỏng ở môi và mắt, có thể dẫn đến mù mắt.
Chất isotomin tiêm tĩnh mạch, kích thích hô hấp, làm tăng biên độ và tần số hô hấp, đồng thời làm tăng huyết áp và giải phóng adrenalin. Dùng với liều cao, tiếp theo hiện tượng tăng huyết áp là một giai đoạn hạ huyết áp. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm liệt cơ vân.
Công dụng và liều dùng
Cây hoa dài rất ít được sử dụng ở Việt Nam, nhưng có thể nghiên cứu để chiết isotomin có tác dụng gần như lobelin, một loại thuốc kích thích dùng trong bệnh hen suyễn, khó thở. Cồn thuốc 1:10 (trong cồn 70o) có thể dùng với liều 1-3g trong 24 giờ. Cây có độc nên phải dùng hết sức cẩn thận.