Mục lục

- Tên tiếng Việt: Trang đỏ, Trang son, Đơn đỏ, Đơn trung quốc.
- Tên khoa học: Ixora chinensis Lam.
- Họ thực vật: Rubiaceae
Mô tả đặc điểm
Là dạng cây nhỏ, cao 0,6 – 1m, có khi hơn, phân cành nhiều. Cành non dẹt, màu nâu nhạt, sau tròn, màu xám tro.
Lá mọc đối, dày và nhẵn, hình bầu dục hoặc trái xoan, dài từ 5 – 10cm, rộng 3-5cm, gốc thuôn tròn, đầu hơi nhọn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt, mép nguyên, cuống rất ngắn, lá kèm có mũi nhọn.
Cụm hoa mọc ở đầu cành, có cuống ngắn, hoa màu đỏ, đài có 4 răng hình tam giác, ống đài ngắn, tràng có 4 cánh rỗng, ống tràng hình trụ, dài và rất hẹp, nhị ngắn.
Qủa tròn, màu đỏ tím, chứa 2 hạt
Cây ra hoa và quả khoảng tháng 3 – 5.
Phân bố, sinh thái
Chi Ixora L gồm phần lớn các cây phân bố ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam có 28 loài.
Trang đỏ có nguồn gốc ở Ấn Độ – Malaysia. Cây phân bố ở hầu hết các nước Đông Nam Á và Nam Á. Ở Việt Nam, cây mọc tự nhiên khá phổ biến ở các vùng đồi cây bụi thấp như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hòa Bình, Hà Tây, Thanh Hóa, Nghệ An và các tỉnh ven biển miền Trung.
Bộ phận dùng
Rễ và lá thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Hoa thu vào tháng 5 – 10, phơi khô.
Thành phần hóa học
Lá trang đỏ chứa các acid Ferulic, pyrocatcchic và cafeic.
Rễ chứa dầu béo gồm các acid béo như palmatic, stearic, oleic, linobeic và các dẫn chất methyl este của chúng.
Theo tài liệu Ấn Độ, rễ cây trang đỏ chứa tinh dầu, tanin, dầu béo, chất kết tinh màu trắng, acid octadecadienoic, mannitol và acid myristic.
Tác dụng dược lý
Trên hệ thần kinh trung ương
Toàn cây trang đỏ bỏ rễ có tác dụng hạ thân nhiệt, làm tăng thời gian ngủ do phenobarbial, giảm khả năng bám trụ trong nghiệm pháp trụ quay ở chuột nhắt trắng. Nhìn chung, trang đỏ có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, ở mức độ yếu.
Tác dụng trên cơ trơn
Trang đỏ có tác dụng ức chế sự co bóp do histamin và acetylcholin trên hồi tràng chuột lang cô lập.
Tính vị, công năng
Trang đỏ có vị đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt giải độc, hành khí, giảm đau, hoạt huyết, tán ứ.
Công dụng
Trang đỏ chữa cảm sốt, nhức đầu, phong thấp, đau nhức gân xương, kinh nguyệt không đều, đau bụng do tích huyết, kiết lỵ, tiêu chảy, đái đục, đái ra máu, mụn nhọt, lở ngứa. Dùng ngày 6 – 12g rễ, vỏ thân hoặc 20 – 30g lá.
Hoa cũng được dùng chữa cảm sốt, nhức đầu, kinh nguyệt không đều, kiết lỵ, ho ra máu, viêm phế quản xuất huyết. Dùng ngày 10 – 15g sắc uống. Nước sắc hoa để rửa mắt khi bị đau.
Bài thuốc có trang đỏ
1.Chữa mẩn ngứa, dị ứng
Trang đỏ 25g, dùng riêng hoặc phối hợp với đơn tướng quân, kim ngân, ké đầu ngựa, lá mã đề, mỗi vị 15g, sắc uống.
2. Chữa kiết lỵ
Hoa trang đỏ 10 – 15g, sắc uống hoặc rễ tươi trang đỏ 120g, ngâm rượu trong 15 ngày. Chiết ra uống làm 3 – 4 lần. Trước khi uống có thể đun cách thủy cho bay cồn.
3. Chữa kinh nguyệt không đều
Rễ và vỏ thân trang đỏ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô, tẩm rượu sao. Ngày 10 – 12g. Sắc uống.
4. Chữa nhọt độc, đinh râu, lở ngứa, vết thương
Lá đơn đỏ, lá thài lài, lá bầu đất, lá đậu ván, mỗi vị 30g tươi, rửa sạch, giã nát, đắp và băng lại, ngày một lần. Có thể lấy hoa, sắc đặc, rửa vết thương hoặc lở ngứa.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam