Mục lục
Mô tả
- Cây thảo nhỏ, sống một năm hay nhiều năm, cao 20 – 40cm, không có thân. Rễ đơn, hình trụ, dài, mập, mặt ngoài màu nâu, mặt trong màu trắng.
- Lá mọc thẳng từ rễ, lòa xòa sát mặt đất thành hình hoa thị, phiến lá hình trái xoan ngược, gốc thuôn, đầu tròn hoặc hơi nhọn, mép chia thùy sâu và khía răng không đều, trông như bị xé rách, các thùy và răng thường uốn cong lên trên, hai mặt nhẵn.
- Cụm hoa là từng đầu riêng biệt màu vàng trên một cuống dài 10 – 20 cm, rỗng, xuất phát từ kẽ lá, tỗng bao lá bắc hình chuông gồm nhiều dãy, những lá phía ngoài xoè ra và gập xuống, các lá phía trong mọc thẳng đứng, hoa toàn hình lưỡi nhỏ có màu nâu. Ở mặt lưng, đầu nhụy chẻ đôi.
- Quả bế có 10 nếp nhăn, tận cùng bằng chòm lông trắng trên một cuống dài mảnh.
Phân bố, sinh thái
Chi Taraxacum Wigg có khoảng 40 loài trên thế giới, gồm những cây thảo sống một năm hay nhiều năm. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm hoặc vùng á nhiệt đới, thuộc châu Âu, Châu Mỹ và châu Á. Ở Việt Nam, có tài liệu cho rằng nó được nhập vào Việt Nam từ lâu, nay trở nên hoang dại ở một số vùng núi cao từ 900m trở lên, như Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Sa Pa, Bắc Hà (Lào Cai); Sìn Hồ (Lai Châu); Đồng Văn, Quản Bạ, Yên Minh (Hà Giang) và Đà Lạt (Lâm Đồng).
Bồ công anh thấp là cây ưa sáng, ưa vùng có khí hậu ẩm mát. Cây mọc từ hạt xuất hiện rải rác từ cuối mùa Xuân đến cuối mùa hè. Mùa hoa quả cũng rải rác trong suốt mùa hè và mùa thu.Sau khi ra hoa quả, cây tàn lụi. Hạt có túm lông nhờ gió phát tán đi khắp nơi. Vòng đời của cây thường kéo dài 3 – 5 tháng.
Bộ phận dùng
Toàn cây gồm rễ, thân, lá. Lá thu hái trước khi cây có hoa. Rễ thu vào tháng 6 – 7.
Cách trồng
Bồ công anh thấp được nhân giống từ hạt, bằng cách gieo thẳng vào tháng 2 – 3. Đất trồng phải cao ráo, màu mỡ, tiện tưới tiêu. Sau khi làm đất, lên thành luống cao 15 – 20cm, rộng 1 – 1,2m, rạch ngang hay dọc luống để gieo hạt. Khoảng cách cây phù hợp là 20 x 20cm.
Có thể bón lót bằng phân chuồng, bón thúc bằng nước phân chuồng, nước giải hay đạm pha loãng. Lượng phân bón tùy theo khả năng nhưng không cần nhiều, chỉ cần cây luôn giữ được màu xanh vừa phải là được. Cần giữ cho cây luôn sạch cỏ.
Thành phần hóa học
Toàn cây bồ công anh thấp chứa 0,98% flavonoid toàn phần: lactopicrin, taraxacin, taraxacerin, taraxasterol, cosmossin, homotaraxasterol, luteollin – 7 – glucosid, stigmasterol. Ngoài ra, còn có nhựa, tinh dầu, pectose, các acid béo (acid melissic, hydroxyphenacetic), sáp (Ceryl palmitat, cerylstearat).
- Lá và hoa có: 88,8% nước, 0,6% protein, 0,44%, sợi, 1,6% phần chiết bằng ether, 2,3% tro, 3,7% cacbonhydrat, 59,1mg/100g photpho, 73 mg/100g Vitamin C.
- Rễ chứa taraxol, taraxerol, taraxasterol amyrin, stigmasterol.
- Ngoài ra, còn chứa nhựa, cao su, glucosid, các đường (glucose, fructose, cymarose), asid acetic, vitamin B.
Tác dụng dược lý
Ở Ấn Độ, năm 1968, người ta đã nghiên cứu có hệ thống tác dụng sinh học của cao chiết bằng cồn 50o, sau đó bốc hơi cách thủy và cô chân không đến khô.
- Tác dụng kháng khuẩn in vitro trên các vi khuẩn Bacillus subtilis, Staphylococcus aureus, Salmonella typhi, Escherichia coli với nồng độ đến 25 µg/ml.
- Tác dụng chống nấm in Vitro trên Candida albicans, Cryptococcus neoformans, Trichophyton nagrophytes, Aspergillus Tiger với nồng độ đến 25 µg/ml.
- Tác dụng chống amip trên Entamoeba histolytica chủng STH đến nồng độ 125 µg/ml.
- Tác dụng chống Virus trên virus bệnh Ranikhet và Virus bệnh đậu bò với nồng độ 0,5 mg/ml.
- Tác dụng trên nhịp thở và biên độ hô hấp và tác dụng trên huyết áp ở chó bình thường với liều 50mg/kg.
- Tác dụng trên hồi tràng chuột lang cô lập, trên tim chuột lang cô lập và trên tử cung chuột cống trắng cô lập.
- Tác dụng trên hoạt động tự nhiên và tác dụng hạ thân nhiệt ở chuột nhắt trắng với liều 500mg/kg.
Tính vị, công năng
Bồ công anh thấp có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, hơi hàn, vào kinh tỳ và vị, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lương huyết, tiêu ung, thông sữa, lợi tiểu. Còn giúp ăn ngon, lợi mật, nhuận gan.
Công dụng
Toàn cây bồ công anh thấp chữa sưng vú, viêm tuyến vú, ít sữa, tiểu tiện khó, nhiễm khuẩn tiết niệu, mụn nhọt, sưng tấy, lở ngứa ngoài da.
Bồ công anh thấp được dùng dưới dạng thuốc hãm, thuốc sắc với liều 15 – 30g, toàn cây. Dùng tươi có thể đến 50g. Còn dùng dạng cồn thuốc hoặc cao mềm. Dùng ngoài, không kể liều lượng.
Ở Trung Quốc, còn dùng chữa đau mắt, tiêu hóa kém, rắn cắn.
Ở Pháp, bồ công anh thấp chữa rất nhiều loại bệnh khác nhau như các bệnh gan mật (viêm ống mật mạn tính, viêm gan, sưng huyết gan, suy gan, vàng da, sỏi mật); các bệnh đường tiêu hóa (rối loạn tiêu hoá, kém ăn, viêm ruột kết, táo bón, trĩ), sỏi thận, tiểu tiện khó, suy thận, tăng cholesterol – huyết, vữa xơ động mạch, béo phì, các bệnh ngoài da (mụn, nhọt, chảy mủ, mụn cóc, eczema, trứng cá, nấm), thấp khớp, thống phong, thiếu máu, suy nhược.
Ở Bungari, một tài liệu ghi tới 21 bài thuốc dân gian có bồ công anh thấp phối hợp với các vị thuốc khác để chữa hầu hết các chứng bệnh như ở Pháp. Ngoài ra còn chữa hen phế quản, thống kinh, mất kinh, xơ gan, loét dạ dày, phù, đái tháo đường, viêm bàng quang bể thận.
Bài thuốc có bồ công anh thấp
- Chữa rắn cắn, ong châm, bò cạp đốt: Bồ công anh tươi, giã nát, đắp vào vết thương.
- Chữa sưng vú, viêm vú cấp tính: Bồ công anh tươi 60g nấu nước uống, ngày 2 lần. Đồng thời dùng cây tươi, giã nát, đắp vào chỗ sưng.
- Chữa viên kết mạc cấp tính, mắt đỏ sưng đau: Bồ công anh tươi 30g, chi tử 7 quả, sắc uống.