Mô tả
Cây nhỏ, cành non hơi vuông góc, phủ nhiều lông tơ hình sao, màu tối, xám hay trắng nhạt. Lá mọc đối, phiến mỏng, có hình dạng thay đổi; mép khía răng cưa ở 1/3 chóp lá, đôi khi có các răng to và không đều nhau, mặt trên phủ lông hình sao lúc còn non, sau nhẵn, mặt dưới phủ đầy lông hình sao màu trắng bạc. Hoa họp thành xim hình cầu. Hoa màu hồng hay đỏ nhạt. Đài có 4 răng bé; tràng hình chuông, nhị thò ra ngoài; bầu nhẵn có vòi dài. Quả hạch hình cầu nhẵn, màu tía, xếp sít nhau.
Bộ phận dùng
Thân, lá và rễ – Caulis, Folium et Radix Callicarpae Candicantis.
Nơi sống và thu hái: Cây của vùng nhiệt đới Á châu, mọc hoang ở vùng đồi núi, ven rừng nhiều nơi khắp nước ta, gặp nhiều ở miền Trung. Có thể thu hái các bộ phận của cây quanh năm, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô.
Thành phần hoá học
Toàn cây có cumarin
Bọt ếch chứa nhiều tinh dầu đặc biệt là ở thân và lá .Tinh dầu lá chủ yếu là hydrocacbon sesquiterpene và sesquiterpenes oxy hóa. ( E ) -Caryophyllene (19,0%, 7,1% và 15,3%), β-selinene (6,2%, 5,7% và 4,5%), caryophyllene oxit (2,9%, 13,4% và 3,4%), và atractylone (37,7 %, 4,2% và 42,4%). Tinh dầu vỏ thân cũng rất giàu ( E) -caryophyllene (7,8%), β-selinene (7,9%), caryophyllene oxide (11,1%), và atractylone (6,2%).
Tính vị, tác dụng
Cây có vị đắng, tính bình; có tác dụng hành huyết trục ứ, phá khí, thông trệ, trừ đờm tích, chỉ thũng trướng, dãn nở trường vị, lợi đại tiểu tiện.
Công dụng
Là cây thuốc quen dùng chữa cảm nắng, cảm hàn, thương thực, nôn cả ra máu, no hơi đầy bụng, kém ăn, kinh nguyệt không đều, hay ra khí hư, thông kinh nguyệt, hàn thấp đau bụng, cầm máu vết thương và trừ mụn nhọt. Phụ nữ huyết nhiệt kinh bế, dùng nó rất hay. Nhân dân thường dùng toàn cây sắc nước cho phụ nữ sau khi sinh đẻ uống để ăn ngon cơm. Thân lá tán bột uống giải nhiệt, giảm đau. Hạt sắc uống làm sáng mắt. Ngày dùng 4-8(6-12g), dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Ở Ấn Độ, lá, rễ và vỏ dùng trị bệnh ngoài da. Lá làm thuốc dùng trị rối loạn của bụng, dùng đắp vết thương, mụn nhọt và làm thuốc duốc cá.
Đơn thuốc
1. Chữa mụn nhọt, lở loét: Lá Bạc thau cây, nướng đen, tán bột rắc.
2. Kiện tinh, mạnh gân xương: Thân lá phơi khô, tán bột uống. Thường phối hợp với vỏ Ngũ gia bì, vỏ Gòn và cây Đau xương.
Ghi chú: Do mặt dưới lá cũng bạc tương tự như lá Bạc thau nên có nơi gọi là Bạc thau cây và cũng dùng nó chữa bệnh bạch đới, khí hư.