Mô tả cây
- Cây cải củ là cây mọc một năm hay hai năm. Rễ củ phình to.
- Hoa màu trắng hay hơi tím hồng. Quả là một giác. Mùa hoa từ tháng 4 đến tháng 7. Mùa quả từ tháng 6 đến tháng 7.
- Cây này được trồng ở khắp nơi trong nước ta để lấy rễ củ ăn, lá để làm dưa, hạt làm thuốc; từ trước đến nay ta ít thu hoạch để làm thuốc.
Phân bố thu hái và chế biến
- Đến mùa quả chín, hái cả cây, phơi khô, đập lấy hạt, bỏ hết vỏ và tạp chất, phơi khô. Khi dùng sao cho hơi vàng có mùi thơm.
- Hạt cải củ hình trứng dẹt, dài chừng 2,5-4mm, rộng 2-3mm, mặt ngoài màu nâu đỏ hoặc xám nâu. Vỏ hạt mỏng, dòn, nhìn qua kính lúp sẽ thấy các chỗ lõm hình mạng, ở một đầu có tễ. Không mùi vị, có chất dầu hơi cay. Hạt mẫm, chắc, màu nâu đỏ là tốt.
Thành phần hoá học
Thành phần chủ yếu của hạt là chất dầu trong đó có hợp chất sunfua. Hoạt chất khác chưa rõ.
Công dụng và liều dùng
- Giúp sự tiêu hoá và chữa ho (nhiều đờm quá), nôn mửa. Ngày uống 10-15g dưới dạng thuốc sắc.
- Theo tài liệu cổ lai phục tử có vị cay, ngọt, tính bình vào 2 kinh tỳ và phế. Có tác dụng hạ khí, định xuyễn, tiêu tích hoá đờm. Dùng chữa ho, hen xuyễn, ngực bụng đầy trướng, khí trệ sinh đau, hạ lỵ hậu thũng. Những người khí hư không dùng được.
Đơn thuốc có la bặc tử:
Bài thuốc “tam tử dưỡng thân thang” chữa người già ho lâu không khỏi: La bạc tử (sao) 10g, tô tử (sao) 10g, bạch giới tử (sao) 3g. Tất cả tán nhỏ cho vào túi vải, thêm 500ml nước, sắc còn 200ml, chia làm 3 lần uống trong ngày (theo đơn thuốc của Diệp Thiện Sĩ)
Chú thích:
Người ta còn dùng cả củ cải phơi hay sấy khô với liều 10-15g một ngày dưới dạng thuốc sắc hoặc lá cải củ phơi hay sấy khô với liều 10- 15g một ngày cũng dưới dạng thuốc sắc để làm thuốc thông tiểu tiện, chữa phù thũng.