Mô tả
- Cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ, cao 1- 4m, phân nhánh nhiều, nhẵn. Cành có vỏ đôi khi hơi đen.
- Lá hình bầu dục, gốc thuôn, đầu tròn, mặt trên nhẵn, mặt dưới điểm nhiều tuyến, cuống lá hơi lõm ở mặt trên.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thân cành thành, không cuống hoặc có cuống rất ngắn; hoa màu trắng, thơm; đài có 5 răng rời nhau; tràng hợp ở gốc, 5 cánh có lông ở họng; nhị 5, chỉ nhị dính nhau ở gốc, bầu hình bầu dục, vòi nhụy to, nhỏ dần thành một đầu nhụy hình chấm.
- Quả nang hình trụ, cong lại thành hình cũng có vòi và các lá đài tồn tại, màu nâu sáng, có khía dọc, mở thành 2 van, hạt hình trụ, hơi cong.
- Mùa hoa: tháng 11 – 4; mùa quả: tháng 5 – 8.
Phân bố, sinh thái
Chi Aegiceras Gaertn, trên thế giới chỉ có 2 loài, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á và Australia, ở Việt Nam chi này chỉ có 1 loài cây số kể trên. Sú phân bố chủ yếu ở các tỉnh có cửa sông, dọc theo bờ biển từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào đến mũi Cà Mau, cụ thể như Quảng Ninh (Hà Cối, Vân Đồn); Hải Phòng (Thuỷ Nguyên); Thái Bình, Nam Định (Giao Thuỷ, Hải Hậu); Thanh Hoá, Nghệ An (Vinh), Phú Yên (Tuy Hoà), Khánh Hoà (Ninh Hoà, Nha Trang)… Trong đất liền, có ở Lào Cai và Hoà Bình [Từ điển cây thuốc Việt Nam, 1997 và Danh lục các loài thực vật Việt Nam. Tập II, 2003].
Sú là cây ưa sáng, thường mọc tập trung trên đất phù sa mềm ở cửa sông hay các đầm phá ven biển. Cây thích nghi cao trong môi trường nước mặn, nước lợ và cả ở nước ngọt. Cây trưởng thành ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên tốt từ hạt (thường vẫn gọi là quả).
Bộ phận sử dụng
Vỏ, lá.
Thành phần hoá học
- Vỏ, lá, quả đều có saponin (vỏ: 7 – 8%, lá 0,5% và quả 1,5%).
- Vỏ thân chứa α – spinasterol, stigmasterol, acid syringic, agicerin.
- Vỏ còn chứa aegioeradienol, aegiceradiol, tanin 6%, isorhamnetin.
Tác dụng dược lý
Tác dụng độc với cá: Cao chiết từ cành và thân của cây sú có tác dụng độc với cá (thử với loài Tilapia nilotica). Hoạt chất độc với cá đã xác định được là 5 – O – methylembelin. Chất này làm chết cá ở nồng độ 1 phần triệu trong thời gian 75 phút (Gomez et al., 1989).
Tác dụng độc trên tế bào ung thư: Penicillenol Al và B1 có tác dụng độc trên dòng tế bào HL – 60 (bạch cầu của bệnh đa bạch cầu tiền tủy bào cấp).
Nghiên cứu độc tính cấp: Cao khô cây sú được xác định độc tính cấp trên chuột trắng dùng đường tiêm phúc mạc. Kết quả LD50 = 250 mg/kg, chứng tỏ cây có độc (Dhawan et al., 1977).
Tác dụng chống viêm: Cao thân cây sú có tác dụng chống viêm. Một trong những cơ chế gây tác dụng chống viêm là ức chế các enzym chuyển hoá acid arachidonic (có trong phospholipid màng tế bào) thành các chất trung gian gây viêm, trong cao, có chất ức chế cyclooxygenase có chất ức chế lipoxygenase (12 lipoxygenase và 5 – lipoxygenase) và có chất ức chế cả hai enzym (Roome và Dar et al., 2008b).
Tác dụng bảo vệ gan: Cao cây sú cũng được nghiên cứu tác dụng bảo vệ gan trên tổn thương gan do CCL4 ở chuột cống trắng.
Công dụng
Nhân dân dùng vỏ cây sú để chữa viêm miệng, viêm lợi. Lấy vỏ, thái nhỏ nấu với nước, lấy nước súc miệng hoặc ngậm rồi nhổ ra. Thuốc độc, không được nuốt.
Lá được dùng nấu nước để gội đầu, nhất là cho phụ nữ. Vỏ cây sú được dùng để duốc cá, vì trong vỏ có tỷ lệ saponin rất cao (7 – 8%) rất độc với cá. Cây sú được trồng nhiều để bảo vệ để ở ven biển.
- Ở Indonesia, vỏ cây sú cũng được dùng để Quốc cá, lá non được dùng để ăn thay rau [Medicinal herb index và Indonesia, 1995: 189].
- Ở Ấn Độ cũng cho rằng vỏ cây chứa saponin rất độc với cá nên dùng để duốc cá [Chopra et al., 2001:8]. Saponin vỏ sú có tác dụng phá huyết gấp 10 lần các saponin bình thường [Perry và Metzger, 1980: 282].