Mục lục
Mô tả
- Cây to, cao 10 – 15m, có khi đến 20m hay hơn những cây cổ thụ.
- Lá mọc so le, hình bầu dục thuôn, phiến mỏng và dai, dài 10 – 18 cm, rộng 5 – 7,5 cm, gốc tròn, đầu thuôn thành mũi nhọn ngắn, mép khía răng nhỏ và đều, gân bên nổi rõ ở cả hai mặt; cuống lá dài khoảng 2 cm. Lá non có màu đỏ.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm hoa đực và hoa cái riêng (đơn tính khác gốc); cụm hoa đực dài khoảng 1 cm, có 20 – 30 hoa; cụm hoa cái có 3 – 9 hoa.
- Quả hạch gần hình cầu, đường kính khoảng 1 cm, có lông mịn, có núm nhụy dài tồn tại, khi chín màu đỏ, hạt 2 – 3, hình bầu dục thuôn, vỏ ngoài có vận hành mạng lưới.
Phân bố, sinh thái
Họ Aquifoliaceae ở Việt Nam chỉ có 1 chi Ilex L., bao gồm 40 loài và nhiều thứ (var.). Theo kết quả điều tra của Viện dược liệu, thuộc chi này đã ghi nhận được tới 9 loài có công dụng làm thuốc, trong đó loài chè đắng (Ilex kaushue S.Y.Hu) được phát hiện sau cùng, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước.
Cho đến nay, chè đắng rừng đã xác định được về phân bố tại tỉnh miền núi phía Bắc, bao gồm: Cao Bằng (Nguyên Bình: Mai Long, Hạ Lang: An Lạc, Đồng Loan, Đức Quang, Thái Đức; Quảng Hoà: Mỹ Hưng, Tiến Thành, Thạch An: ĐứcXuân); Lào Cai (Sa Pa: Hàm Rồng); Bắc Kạn (Ba Bể); Hoà Bình (Yên Thuỷ, Phố Sấu); Ninh Bình (Cúc Phương: Đồng Cơn). Trên thế giới, loài này mới biết có ở Trung Quốc (các tỉnh: Hồ Nam, Hồ Bắc, Vân Nam, Quảng Tây, Quảng Đông).
Chè đắng rừng thuộc loại cây gỗ trung bình, trung sinh; mọc rải rác ở rừng cây lá rộng thường xanh trên núi đá vôi, nhất là gần các bờ khe suối.
Bộ phận sử dụng
Lá.
Thành phần hóa học
- Lá chè đắng rừng chứa 0,5-0,6% flavonoid, 5,1-5,5% saponin, 2,8-3,4% polysacharid.
- Ngoài ra còn có coumarin, tanin, carotenoid, acid hữu cơ và acid amin.
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên nhung mao của chuột cống trắng: Chè đắng rừng không ảnh hưởng đến cấu hình nhung mao của ruột non, nhưng có tác dụng điều hòa mạnh hơn trên tế bào mỡ bị phì đại ở mô mỡ (Lu et al., 1999)
Tác dụng chống oxy hóa: Nguyên cứu tác dụng chống oxy hóa của thành phần phenol chính trong chè đắng rừng có khả năng chống oxy hóa mạnh.
Tác dụng ức chế sự kết tụ lipid loại LDL: Tám trong 12 hợp chất ức chế được sự tạo thành các tế bào bọt (foam cell) và làm giảm hàm lượng cholesterol toàn phần và triglycerid trong tế bào. Phân tích mối tương quan cấu trúc – hoạt tính cho thấy tác dụng này chủ yếu là do vai trò của vòng delta – lacton trong saponin.
Tác dụng trên một số thông số huyết lưu biến học: Saponin toàn phần lá chè đắng có thể điều trị tăng cholesterol huyết và xơ vữa động mạch (Zlheng, Wang et al., 2009).
Tác động bảo vệ gan: Xét nghiệm vi thể gan ở lô dùng saponin thô, thấy tổn thương, nhưng mức độ tổn thường ít hơn và nhẹ hơn so với lô chứng không dùng thuốc [Tài liệu đã dẫn].
Tác dụng hạ huyết áp: Trên động vật thực nghiệm là chó và thỏ, dịch chiết nước lá chè đắng rừng có tác dụng làm hạ huyết áp (Phan Văn Các, 2004).
Tính vị, công năng
Lá chè đắng rừng vị rất đắng, sau có cảm giác ngòn ngọt ở họng, có công năng tiêu viêm, giải thử, nên được dùng điều trị các bệnh viêm nhiệt đau mắt đỏ [TDTH, 1996, II: 604].
Công dụng
Lá chè đắng rừng được dùng để pha nước uống như uống chè, có tác dụng làm cho người khoẻ mạnh, đỡ mệt mỏi khi làm việc trí óc căng thẳng, hoặc gặp những bất lợi về thời tiết như thời tiết quá nóng. Chè đắng rừng làm cho đầu óc tỉnh táo, nhưng không gây mất ngủ.
- Gần đây, còn thấy lá chè đắng rừng có tác dụng hạ huyết áp nhẹ, hạ cholesterol huyết, giải độc, bảo vệ gan.
- Lá chè đắng rừng có tác dụng an thần ngay sau khi uống, nhưng lại kích thích thần kinh làm tỉnh táo, minh mẫn, mà không làm mất giấc ngủ.
Bài thuốc có chè đắng rừng
Thuốc làm tăng tuần máu, tăng trí nhớ:
Lá chè đắng rừng, lá bạch quả, mỗi vị 1g. Để cả lá hoặc tán thành bột thô, pha uống trong ngày như uống trà.