Mục lục
Mô tả cây
- Cây thân thảo, cao 1,5-3m, có thân rễ.
- Lá dài, hẹp, gân lá song song
- Hoa đơn tính cùng gốc, hợp thành bông riêng cách nhau 0,6-5,5cm, nằm trên cùng một trục chung: bông đực ở trên, bông cái ở dưới. Nhị ở hoa đực bao bọc bởi những lông ngắn màu vàng nâu, bông cái có lông nhạt hơn.
- Quả nhỏ, hình thoi, khi chín nở theo chiều dọc.
- Mùa ra hoa , quả : tháng 7-10.
Phân bố, thu hái và chế biến
Mọc hoang ở những đồng lầy miền Bắc nước ta: vùng lạnh như Sapa (Lào Cai), nóng như Gia Lâm (Hà Nội) đều có. Ở nước ta chưa thấy khai thác. Vào tháng 4-6, cắt lấy phần trên của bông hoa (phần hoa đực) phơi khô. Giã hay rũ lấy phấn hoa (rây qua rây). Phơi lần nữa.
Bộ phận dùng
Phấn hoa.
Thành phần hóa học
Trong bồ hoàng có một flavonozit khi thủy phân sẽ cho isoramnetin C16H12O7. Ngoài ra còn có chất mỡ (10-30%) và chất xitosterin C27H46O (13%)
Tác dụng dược lý
Bồ hoàng ( phấn hoa) có tác dụng cầm máu.
Từ Vân đã nghiên cứu tác dụng cầm máu của bồ hoàng (Y học thế giới 2 (5):23, 1949) như sau: Cho uống bồ hoàng chữa bệnh ho ra máu (2-6 ngày), tiểu tiện ra máu (2 ngày), đại tiện ra máu (2 ngày), đổ máu cam (2 ngày), tử cung xuất huyết (2-4 ngày) đều thấy tác dụng cầm máu hoặc giảm bớt lượng huyết xuất ra.
Công dụng và liều dùng
Theo tài liệu cổ: bồ hoàng vị ngọt, tính bình vào 3 kinh tỳ, can và tâm bào. Dùng sống có tác dụng hoạt, hành ứ, lợi tiểu, sao đen có tác dụng thu sáp cầm máu. Dùng sống chữa kinh nguyệt bế sinh đau bụng, đau ngực, bụng, tiểu tiện khó khăn. Dùng sao đen chữa thổ huyết, máu cam.
Thường dùng: bồ hoàng là một vị thuốc có tác dụng cầm máu, lợi tiểu tiện dùng chữa bệnh ho ra máu, thổ huyết, chảy máu cam, tiểu tiện ra huyết. có người nói muốn có tác dụng cầm máu phải sao đen, nhưng không cần thiết. ngày dùng 5 – 8g dùng dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Đơn thuốc có bồ hoàng( phấn hoa cỏ nến ):
- Cầm máu: bồ hoàng 5g, cao ban long 4g, cam thảo 2g, nước 600ml. sắc còn 200ml. chia 2-3 lần uống trong ngày làm thuốc cầm máu.
- Tai chảy mủ: Bồ hoàng tán nhỏ rắc vào.
Chú thích
- Ngoài cây Typha orientalis nói trên, người ta còn dùng nhiều loài khác như ypha angustata Bory et Chaub, Typha angustifolia L., Typha latifolia L., Typha davidiana Hand-Mazz., Typha minima Funk..v.v đều cùng họ Typhaceae.
- Ở nước ta có cây cỏ nến nhưng thường chưa được khai thác, vị bồ hoàng vẫn nhập của Trung Quốc. Một số mới dùng lông của hoa cái để nhồi gối đệm.