Mục lục
Mô tả cây
- Cây nhỏ cao 2-3m, cành gầy, lúc đầu có phủ lông, sau nhẵn.
- Lá gần hình bầu dục, hơi nhọn đầu, gốc thuôn dài, có răng cưa ở mép, mặt dưới có lông mịn, phiến dài 4-5cm, rộng 1-2,5cm. Cụm hoa mọc thành ngù ở ngọn.
- Hoa hình đầu có cuống ngắn, màu tím nhạt, nhóm họp thành 2-3 cái. Lá bắc 4-5 dãy, hoa lưỡng tính nhiều. Mào lông màu trắng bẩn. Tràng hoa cái mảnh, 4 răng nhỏ. Tràng hoa lưỡng tính phình to ở đỉnh, có 5 thùy. Nhị 5, bao phấn có tai, hình dùi, bầu hơi có lông.
- Quả bế hình trụ-thoi, 10 cạnh.
- Mùa hoa-quả: tháng 12.
Phân bố, thu hái và chế biến
Cây mọc hoang dại và được trồng ở hầu hết các tỉnh nước ta, đồng bằng cũng như bờ biển. Thường trồng làm hàng rào cây xanh, vừa lấy lá làm thuốc.
Thu hái:
- Thường thu hái lá non và lá bánh tẻ. Dùng tươi hay phơi hoặc sấy khô làm thuốc.
- Người ta đào cả rễ, rửa sạch, thái mỏng phơi hay sấy khô.
Bộ phận sử dụng
Cành, lá non và rễ.
Thành phần hóa học
- Trong toàn cây chủ yếu có tinh dầu, mùi thơm.
- Lá chứa 2,9% protein.
- 100g cúc tần tươi có 5,7g protit, 1g lipit, 5,1g xenluloza, 2,3g tro, 179mg Canxi, 2,3mg P, 0,5mg Fe, 4,6g caroten, 15mg vitamin C.
Tác dụng dược lý
Lá và rễ cây cúc tần có những tác dụng dược lý như sau:
- Chống viêm cấp tính trên mô hình gây phù thực nghiệm chân chuột cống trắng khá mạnh.
- Chống viêm mạn tính trên mô hình gây u hạt thực nghiệm dưới da chuột cống trắng yếu.
- Gây thu teo tuyến ức chuột cống non.
- Hạ nhiệt rõ rệt đối với mô hình gây sốt thực nghiệm.
- Giảm đau trên mô hình gây quặn đau với acid acetic.
Tính vị
Cúc tần có vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính mát
Công dụng và liều dùng
Nhân dân dùng lá và cành non cây cúc tần dùng làm thuốc chữa cảm sốt, sốt, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc xông. Có tác dụng giúp sự tiêu hóa, chữa lỵ. Người ta còn giã nát lá và cành non, thêm ít rượu xào cho nóng đắp lên ở nơi đau ở hai bên thận chữa đau, mỏi lưng.
Liều dùng: 8 – 16g dưới dạng thuốc sắc. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc có cúc tần
- Chữa cảm sốt: Cúc tần 20g, lá tre 20g, bạc hà 20g, kinh giới 20g, tía tô 20g, cát căn 20g, cúc hoa 5g, địa liền 5g. Dạng thuốc bột hoặc thuốc viên, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 4-6g.
- Chữa cảm sốt, nhức đầu, ho, không có mồ hôi: Cúc tần (2 nắm), lá sả (1 nắm), lá chanh (1 nắm). Nấu nước xông và uống nóng, đắp chăn cho ra mồ hôi.
- Chữa đau nhức gân xương, đau lưng: Rễ cúc tần 20g, rễ xấu hổ 20g, rễ bưởi bung 20g, rễ đinh lăng 10g, cam thảo dây 10g. Sắc uống.