Nguồn gốc và tính chất
- Diêm sinh là một nguyên tố có sẵn trong thiên nhiên hay do chế từ những hợp chất có lưu hoàng trong thiên nhiên mà được. Tùy theo nguồn gốc và cách chế biến khác nhau, lưu hoàng có khi là một thứ bột màu vàng, không mùi, có khi là những cục to không đều, màu vàng tươi, hơi có mùi đặc biệt, không tan trong nước, trong rượu và ête, tan nhiều hơn trong dầu. Khi đốt lên cháy với ánh lửa xanh và tỏa ra mùi khét khó thở.
- Ngoài công dụng làm thuốc, diêm sinh còn là một nguyên liệu rất cần thiết trong kỹ nghệ hóa học nói riêng và trong công nghệ nói chung.
Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu của diêm sinh là chất sunfua nguyên chất, tùy theo nguồn gốc và cách chế tạo, có thể có những tạp chất như đất, vôi, asen, sắt v.v…
Công dụng và liều dùng
- Diêm sinh được dùng trong cả đông và tây y.
- Theo tài liệu cổ diêm sinh có vị chua, tính ôn, có độc và 2 kinh tâm và thận. Có tác dụng bổ hỏa, tráng dương, bổ mệnh môn chân hỏa, lưu lợi đại trường sát trùng. Dùng trong những trường hợp liệt dương, lỵ lâu ngày, người già yếu, hư hàn mà bí đại tiện, phong thấp. Dùng trong còn có tác dụng trừ giun sán. Dùng ngoài có tác dụng sát trùng, chữa mẩn ngứa , mụn nhọt.
- Ngày dùng 2 đến 3g dưới dạng thuốc bột hay thuốc viên.
Đơn thuốc có diêm sinh dùng trong đông y:
- Bán lưu hoàng: Chữa người già bị táo bón lâu ngày, mạch máu bị cứng, khớp xương đau. Lưu hoàng rửa sạch (lưu hoàng thăng hoa) l00g, bán hạ 60g tán nhỏ. Cả hai vị trộn đều, thêm mật làm thành viên nhỏ bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 10-20 viên.
- Thuốc bôi ngoài: Chữa mụn nhọt lưu hoàng, đại phong tử, sà sàng tử, các vị bằng nhau, giã nhỏ, thêm dầu vừng mà bôi lên các mụn nhọt đã rửa sạch (kinh nghiệm nhân dân).
- Một hình thức dùng diêm sinh trong đông y: Chữa người già yếu bí đại tiện, phong thấp. Diêm sinh tán nhỏ cho vào ruột lợn. Đem luộc sôi đều trong 4 giờ lấy ra tán nhỏ. Viên bằng hạt ngô. Ngày uống 2-4g
- Chữa mụn trứng cá đỏ: Diêm sinh 25g, kinh phấn 5g, phèn phi 5g, rượu 50o 300ml, lắc đều ngày bôi nhiều lần.