Mục lục
Mô tả
- Dây leo, sống hằng năm. Thân hình trụ, dài 4 – 7m, phủ đầy lông ngắn, có tua cuốn đơn.
- Lá to, có cuống dài, hình tim, hơi tròn, khía thuỳ nông không đều và răng cưa nhỏ, gân lá hình chân vịt; cuống và hai mặt lá có lông mềm.
- Hoa màu vàng, mọc ở kẽ lá gồm hoa đự hoa cái riêng lẻ.
- Quả có nhiều hình dạng khác nhau, vỏ ngoài màu lục nhạt hoặc hơi vàng, có những sọc xanh đậm, thịt màu vàng nhạt, khi chín bở mềm, thơm, hạt nhỏ màu trắng.
Phân bố, sinh thái
Theo MM. Paje và H.A.M, van der Vossen, 1994 (PROSEA 8 – Vegetables, 153 – 157), dưa bở có nguồn gốc từ vùng phía đông và đồng – bắc châu Phi, vì hiện tại ở đây vẫn còn quần thể mọc tự nhiên của loài này cùng với nhiều giống biến chủng do trồng trọt. Cách đây khoảng 2000 năm dưa bở đã được du nhập sang vùng Địa Trung Hải và vùng nhiệt đới châu Á. Ở nước ta, loại cây trồng khá cổ điển đối với người nông dân ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ.
Cách trồng
Dưa bở là cây ăn quả ngắn ngày, vụ đông – xuân, vì thế thời vụ gieo trồng thường kế tiếp ngay sau khi thu hoạch lúa mùa.
Vùng trồng:
Có thể trồng được ở nhiều địa phương, nhưng nơi trồng nhiều dưa bở thường thấy ở các tỉnh đồng bằng và trung du từ miền Trung trở ra. Dưa bở thường được trồng trên đất ruộng lúa, đất trồng màu, bãi bồi sông hoặc trên các nương rẫy thấp.
Cách trồng:
Để sớm có dưa bở thu hoạch, hiện nay người ta thường gieo hạt trong bầu. Khi gặt mùa xong, cày, bừa ngay khi đất còn ướt; lên luống sơ bộ và trồng dưa luôn. Mỗi luống trồng 1 hàng, khoảng cách 1 – 2m/cây, về sau cây sẽ bò lan kín mặt luống.
Bón phân:
Bón lót bằng phân chuồng mục, khoảng 20 tấn/ha, bón trực tiếp vào hố trước khi trồng. Bón thúc bằng phân chuồng mục trộn lẫn hoặc NPK,
Chăm sóc:
Khi cây còn nhỏ, chưa bò lan kín luống cần thường xuyên làm cỏ. Trong quá tình này mới tiến hành băm nhỏ đất, vun luống cao tránh ngập úng. Khi đất khô (không có mưa) người ta thường tưới thẩm, nghĩa là đưa nước vào các rãnh của luống.
- Dưa bở trồng đại trà dễ bị sâu bệnh, cần chú ý phát hiện và sớm diệt trừ. Tuy nhiên cần tránh lạm dụng thuốc trừ sâu và các thuốc hoá học nhằm làm tăng tỷ lệ đậu quả.
- Cây trồng sau 3,5 – 4 tháng cho thu hoạch quả già. Vụ thu hoạch kéo dài gần 1 tháng, với 3 – 4 lần thu hái quả.
Thành phần hoá học
Lá chứa cao flavon glucosid như melonid A (6c diglucosyl apigenin), melonid L (6c digluconyl luteolin và các dẫn chất caffeoyl của chúng [phytochemistry 1976, 15, 1053].
- Các carotenoid: α caroten, β caroten, caroten.
- Dưa bở còn chứa tinh dầu.
Dầu hạt bao gồm các lipid trung tính (91,5%), glucolipid (6,4%), phospholipid (2,1%). Các lipid trung tính gồm phần lớn là triacetyl glycerol (90,7%), mono và digalactosyl diacyl – glycerol [CA. 1992, 117, 6569 ].
Người ta đã phân tích trong quả dưa có các thành phần sau: Nước 95%, protid 0,60%, lipid 0,11%, glucid 3,72%, cellulose 0,33%, tro 0,1%, đường 1,05 – 6% và các vitamin A (25 – 30000 đon vi), vitamin B 0,03 mg, vitamin C 1,5 – 2mg, các chất khoáng P 30 mg, Ca 20 mg, Fe 0,4mg.
Hạt chứa globulin, glutein, đường galactose và nhiều chất béo [Võ Văn Chi – TDCTVN, NXB Y học, 1997, tr.421].
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống giun: Hạt dưa bở có tác dụng chống giun (Zinchenko et al., 1955). Tuy nhiên, hiện nay ít dùng vì đã có nhiều thuốc tẩy giun có tác dụng mạnh và lại ít độc.
Tác dụng lợi tiểu: Cao của hạt dưa bở chiết bằng ether có tác dụng lợi tiểu (Singh et al., 1970). Cũng đã xác định được trong hạt có một chất có tác dụng ức ché enzym urease (Malhotra et al., 1978).
Tác dụng trên RNA ribosom và trên protein:
Melonin là một protein có trong hạt dưa bở có tác dụng ức chế mạnh ribosom thuộc các nguồn khác nhau, kể cả ribosom ở tế bào có nhân rải rác (prokarotic), cả ribosom ở tế bào có nhân điển hình (eukaryotic). Có thể coi melonin như một enzym thuỷ phân RNA (RNase) gây thoái biến RNA một cách phụ thuộc liều, nhưng lại không ảnh hưởng đến DNA (Rojo et al., 1995).
Tác dụng cải thiện chức năng gan:
Cuống quả dưa bở có tác dụng làm tăng tạo glucose (glucogenesis), có tác dụng bảo vệ gan đối với nhiễm độc do carbon tetraclorid, làm giảm vàng da và có hiệu quả trong điều trị gan bị nhiễm một số chất độc [Kee, 1999: 245].
Tác dụng trên dị ứng và phản vệ: Dị ứng dưa bở có liên quan với dị ứng phấn hoa, vì tất cả các bệnh nhân dị ứng với dưa bở đểu dị ứng với phấn hoa. Tỷ lệ người bị hen do dị ứng với phấn hoa cao hơn dị ứng với dưa bở (Figueredo et al., 2003).
Tác dụng làm giảm stress oxy hoá thận do đái tháo đường: Oxykin là cao chiết từ quả dưa bở rất giàu superoxyl dismutase thực vật có tác dụng làm giảm stress oxy hóa thận do đái tháo đường.
Tính vị, công năng
Hạt dưa bở vị ngọt, tính hàn, có công năng tán kết, tiêu ứ, thanh phế, nhuận tràng: quả dưa bở có vị ngọt, tính trơn lạnh, hơi độc, có công năng giai khát, trừ phiền nhiệt, thông khí, lợi tiểu tiện, phòng tránh nóng vào mùa hè; cuống quả dưa bở vị đắng, tính hàn, có độc có công năng gây nôn và thông đại tiện.
- Tài liệu Trung Quốc cũng ghi: Cuống quả dưa bở vị đắng, tính hàn, có tiêu độc, nhưng còn ghi thêm quy kinh là vào kinh vị [TDTH, 1997, III: 399).
Công dụng
Hạt dưa bở được dùng chữa kết tụ ở trường vị, ho khan, viêm ruột thừa, đại tiện táo bón. Mỗi lần ăn 10 nhân hạt, ngày 2 lần.
- Cuống quả dưa bở được dùng để làm nên các chất đờm dãi hoặc thức ăn bị ứ đọng. Ngoài ra còn để trừ thấp, nhuận tràng, các bệnh về gan, vàng da và sốt rét. Liều dùng mỗi lần 4-8g, sắc kỹ chia làm 2 lần uống trong ngày. Có thể tán thành bột uống mỗi lần 0,5-1,5g.
- Quả dưa còn non hoặc đã chín được phối hợp để làm tăng tác dụng của thuốc khi điều trị lao, nước tiểu ít, thống phong, thấp khớp, mất ngủ, táo bón. Quả dưa bở lúc còn non được dùng làm rau ăn sống như dưa chuột, dưa gang. Còn được nấu canh, muối dưa, ngâm giấm, có tác dụng làm mát, nhuận tràng, lợi tiểu.
Để làm dịu các vết bỏng nhẹ, chỗ bị viêm tấy hoặc đau mắt đỏ, lấy thịt quả đắp lên chỗ bị thương. Hoa dưa bở được dùng chữa đau tim, nấc hoặc ho. Mỗi lần dùng 5-10g, sắc uống.
Bài thuốc có dưa bở
Làm khạc ra đờm khi đờm dãi tắc trở ngại hô hấp: Điểm qua đế, uất kim, hai vị lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 3g với nước.
Chữa con gái bị mất kinh: Tua cuốn cây dưa bở, sử quân tử, cam thảo, các vị lượng bằng nhau, tán thành bột, mỗi lần uống 8g với rượu.
Để dưỡng da mặt, bảo vệ chống da mặt bị khô: Quả dưa bở tươi 200g, cạo bỏ vỏ và ruột, giã nát, vắt lấy dịch. Lá bạc hà tươi một năm (50g), giã nát, vắt lấy dịch. Hoà hai dịch với nước cất hoặc nước sôi để nguội, thoa lên mặt vào buổi tối.
Làm dễ tiêu hóa, nhuận tràng: Quả dưa bở tươi, gọt bỏ vỏ, thái lát, trộn với một ít muối và hạt tiêu bột, ăn trước bữa ăn.
Làm đồ ăn mát chống khác trong mùa nắng: Thịt quả dưa bở, trộn với hạt thìa là rồi ăn
Chú ý:
- Người bị ho khạc ra máu, người bị đái tháo đường hoặc viêm ruột, không được dùng dưa bở
- Trường hợp ăn dưa bở mà bị phản ứng hoặc dị ứng, lấy vỏ quả dưa vừa ăn (tốt nhất) hoặc lấy vỏ quả dưa cùng loại, sắc uống sẽ khỏi.