Mục lục
Mô tả cây
- Cây gỗ có kích thước trung bình (10-12m). Lá hình ngọn giáo, hơi thon hẹp ở gốc, thon dài và mảnh ở phía đầu, cứng, có điểm tuyến trong suốt, dài 13- 20cm, rộng 3- 5cm; cuống lá ngắn. Hoa trắng hay xanh xanh, to, thành chùm ít hoa ở ngọn. Quả mọng gần hình cầu; đường kính 30cm, trong đài hoa tồn tại, nạc, xốp, ít nước, ngọt, thơm. Hạt 1-2, xám. Quả có dạng quả táo, màu trắng vàng, có nhuốm hồng nhiều hay ít, có nạc trắng, ít ngọt, mùi thơm của hoa hồng.
- Mùa hoa tháng 5-7, mùa quả tháng 8-10.
Phân bố, sinh thái
- Cây của phân vùng Ấn Độ – Malaixia, cho tới Inđônêxia. Cũng được trồng ở nhiều xứ nhiệt đới. Ở nước ta, thường thấy mọc ở những nơi ẩm, ven suối, từ Hà Tây, Hà Bắc, Nam Hà, Ninh Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh cho tới các tỉnh phía Nam.
- Nhìn chung, các loài gioi là cây gỗ thường xanh, sinh trưởng phát triển mạnh trong vùng có khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm hoặc hơi khô. Cây ưa sáng, nhưng ở thời kỳ cây còn nhỏ có thể ưa bóng hay chịu bóng. Nước là nhân tố quan trọng trong quá trình sinh trưởng phát triển của cây. Do đó, người ta thường trồng gioi ở bờ ao hay dọc theo bờ các kênh mương. Cây trồng từ hạt sau 3-5 năm bắt đầu có hoa quả. Hoa tự thụ phấn hoặc nhờ côn trùng; sau 30-40 ngày quả chín. Hạt gioi khi còn tươi có tỷ lệ nảy mầm cao, để khô tỷ lệ này giảm theo thời gian
Bộ phận dùng
Quả, lá. Vỏ rễ, hạt, vỏ quả cũng được dùng.
Thành phần hoá học
Trong 100g phần ăn được của quả có: nước 84,80g, protein 0,5-0,8g, chất béo 0,2-0,3g, carbohydrat 9,7-14,2g, xơ 1-2g, tro 0,3-0,4g, caroten 123-235IU, vitamin B complex 0,55-1,04mg và vitamin C 3-37mg. Nạc quả chứa hàm lượng pectin cao. Trong quả còn có các acid amin tự do. Tinh dầu chiết xuất từ lá chứa 27% dl a-pinen và 24% l-limonen, 2 monoterpen có vòng. Các bộ phận khác của cây, như hạt, lá, thân, rễ và vỏ đều có độc, do có alcaloid jambosin và acid hydrocyanic. Lá và vỏ còn chứa tanin, một oleorsin và một lượng nhỏ alcaloid.
Tác dụng dược lý
Các tác giả Slowing, K Carretero (Tây Ban Nha) đã chứng minh dạng chiết thô bằng cồn menthanol từ lá cây gioi có tác dụng chống viêm rõ rệt đối với những mô hình gây viêm trên cơ thể động vật thí nghiệm. Vỏ thân cây gioi có tác dụng gây se xoan chữa kiết lỵ.
Tính vị, công năng
Vị ngọt, chát, tính bình. Vỏ rễ có tác dụng lương huyết, tiêu thũng, sát trùng, thu liễm. Chất chiết từ lá cây có tác dụng với nhiều loại vi khuẩn gây bệnh; đặc biệt là các loại liên cầu khuẩn, với vi khuẩn bạch hầu và vi khuẩn phế cầu. Như vậy lá gioi dùng tốt, chữa bệnh chống lại vi khuẩn sinh mủ và gây bệnh đường hô hấp.
Công dụng
- Quả có dạng quả táo, màu trắng vàng, có nhuốm hồng nhiều hay ít, có nạc trắng, ít ngọt, mùi thơm của hoa hồng. Có thể nấu chín với đường dùng ăn tốt. Quả và lá được dùng làm thuốc trị ỉa chảy, đau mắt. Lá cũng được dùng làm thuốc trị bệnh đường hô hấp.
- Ở Inđônêxia, lá cũng được dùng trị ỉa chảy, lỵ và sốt.
- Ở Campuchia, nước ngâm lá dùng uống làm thuốc trị sốt; lá giã ra và xát vào người trong trường hợp bị bệnh đậu mùa, có tác dụng làm mát.
- Ở Ấn Độ, lá nấu lên dùng chữa đau mắt; quả dùng chữa đau gan.
- Ở Vân Nam (Trung Quốc) người ta dùng vỏ rễ để trị lỵ, ỉa chảy, dao chém xuất huyết; hạt được dùng trị bệnh đái đường; chứng khô (can táo); vỏ quả dùng trị nấc nghẹn.