Mục lục
Mô tả cây
- Cây hoa nhài là một cây nhỏ, nhiều cành mọc xòe ra. Lá hình trái xoan nhọn ở đầu và ở phía cuống, dài 3-7 cm, rộng 20-35mm, 2 mặt đều bóng, khe các gân phụ ở mặt dưới có lông.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành ít hoa. Quả có 2 ngăn, hình cầu, đường kính 6mm màu đen, quanh có đài phủ lên.
Phân bố thu hái và chế biến
- Được trồng khắp nơi ở Việt Nam để lấy hoa dùng ướp chè hay để làm thơm thức ăn.
- Muốn dùng rễ, đào lên rửa sạch đất cát, phơi hay sấy khô mà dùng. Có thể đào rễ quanh năm nhưng tốt nhất vào thu đông. Người ta còn dùng hoa và lá.
Cách trồng
- Nhài được trồng khắp mọi nơi để tạo cảnh, lấy hoa cúng, ướp chè, lá làm thuốc.
- Cây được nhân giống dễ dàng bằng giâm cành. Vào mùa xuân, chọn cành bánh tẻ cắm xuống đất hoặc cắt thành đoạn 25-30cm đem giâm.
- Đất nào cũng trồng được nhài, miễn là không bị úng. Có thể trồng thành ruộng, thành vườn, trong bồn hoặc trong chậu. Tuy nhiên, cần thường xuyên làm cỏ, tưới đủ ẩm và bón thúc nhất là thời kì ra hoa. Hiện nay, nhài được trồng chủ yếu để lấy hoa tươi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.
Thành phần hóa học
- Trong hoa có một chất béo thơm chừng 0.08%. Thành phần chủ yếu của chất béo thơm đó là chất parafin, este formic axeticbenzoic- linalyl, este anthranili metyl và indol.
- Tinh dầu hoa nhài có thể chiết bằng dung môi hoặc cất thẳng trực tiếp, được dùng trong mỹ phẩm có chứa các este (như benzyl acetat), các alcool (như linalool), anthranilate methyl.
- Hoa chứa một chất màu vàng thường thay thế cho saffron.
- Tanahashi Takao, đã chiết xuất được từ hoa nhài chất iridoid glucoside là sambacolignosid. Thành phần bay hơi trog hoa nhài là các este của linalool (acetat methyl, phenyl, phenyl methanol, benzoate methyl), α-terpinol và cis 3 hexen 1-ol. Các chất này thường được dùng trong kỹ thuật nước hoa.
- Trong loại hoa nhài của Indonesia, người ta đã phân tích được hàm lượng cao linalool, acetat benzyl, (Z)-3-benzoat hexenyl, cis jasmin, nhiều sesquiterpen và indol.
- Zang Ying Jun và cộng sự (1995) đã phân tích và xác định các ridoid-glycosid trong hoa nhài, bên cạnh sambacosia A còn có các molihuasid A,B,C,D,E. Từ dịch chiết athanol của hoa nhài, đã xác định có jasminin; deoxyjasminigenin và 8,9 dihydrojasmin.
Tác dụng dược lý
- Dịch chiết nước từ rễ nhài với liều 1-8g/kg, tiêm phúc mạc đối với ếch, bồ câu, chuột cống trắng, chuột lang, thỏ, chó, đều có tác dụng an thần ở các mức độ khác nhau tùy theo liều dùng lớn nhỏ; đối với ếch gây bại liệt toàn thân.
- Liều tương đối lớn, đối với tim ếch và tim thỏ cô lập, đều có tác dụng ức chế; đối với tiêu bản tai thỏ cô lập, tác dụng gây giãn tĩnh mạch, đối với ruột thỏ cô lập, có tác dụng ức chế nhu động, còn đối với tử cung cô lập của thỏ và chuột nhắt trắng ở trạng thái có chửa hoặc bình thường, đều có tác dụng kích thích.
- Chế phẩm từ toàn cây nhài có tác dụng hạ huyết áp và ức chế thần kinh trung ương ở chuột nhắt trắng.
- Rễ nhài có tác dụng an thần mạnh, gây mê và có tác dụng làm giảm đau trong trường hợp bị trấn thương. Trong sách “Bản thảo hội biên” (Trung Quốc) có ghi: Rễ nhài mài với rượu uống với lượng một tấc rễ thì hôn mê bất tỉnh một ngày, với lượng 2 tấc thì bất tỉnh 2 ngày. Khi bị tổn thương gân xương, trật khớp, dùng rễ nhài không thấy đau.
Tính vị, công năng
- Hoa nhài có vị cay, ngọt, tính ôn, có tác dụng lý khí, khai uất, hòa trung, trừ uế.
- Rễ nhài có vị đắng,tính ôn, có tác dụng giảm đau, gây mê
Công dụng, liều lượng
- Hoa nhài được dùng để ướp trà hoặc làm thơm thức ăn. Một số địa phương dùng nước sắc hoa nhài rửa mắt chữa mắt đỏ, sung đau, sắc hay pha như trà uống chữa đau bụng, kiết lỵ. Liều dùng mỗi ngaỳ 1,5-3g hoa khô.
- Rễ nhài là thuốc giảm đau trong trường hợp tổn thương gân xương, đau đầu, sâu răng mất ngủ. Liều dùng mỗi ngày 0,9-1,5g, mài lấy nước. Dùng ngoài giã đắp tại chỗ.
- Chú ý khi uống phải cẩn thận, không được dùng quá liều và không được dùng dạng rượu thuốc.
Bài thuốc
- Chữa đau bụng, tiêu chảy: Hoa nhài 6g tươi hoặc 3g khô, hậu phác 6g, mộc hương 9g, sơn tra 30g, sắc nước uống.
- Chữa gãy xương, đau nhức: Rễ nhài, rễ sòi đầu lấy vỏ rửa sạch, lá cà độc dược, mỗi thứ một nắm, giã nhỏ, chế với giấm xào nóng, bó rịt chỗ gãy.
- Chữa sâu răng: Rễ nhài nghiền thành bột, trộn với lòng đỏ trứng gà nhét vào chỗ răng sâu.