Mục lục
Mô tả cây
- Cây thân gỗ, có thể cao hơn 10m hoặc hơn nữa.
- Lá hai lần kép lông chim với 3 đôi lá chét cấp hai, lá chét 9-15, mọc so le, nhọn nhẵn, bóng ở mặt trên, dài 5-7cm, rộng 25-30mm.
- Hoa màu trắng mọc thành chùy đơn độc hay tập trung ở nách lá.
- Quả thuôn dài 20cm, rộng 35-40mm.
- Hạt màu nâu, hơi hình trứng, dẹt và hơi có rìa ở đỉnh, xung quanh có rãnh.
Phân bố, thu hái và chế biến
Lim là một cây mọc phổ biến ở nước ta nhất là tại những khu rừng miền Bắc và miền Trung nước ta. Còn thấy ở Lào, miền nam Trung Quốc. Thường ngời ta chỉ khai thác gỗ làm nhà, làm đồ dùng. Không thấy dùng làm thuốc. Chỉ thấy nói mạt cưa gỗ lim, nấm lim là có độc (xem thành phần hoá học).
Thành phần hoá học
- Cây lim của ta chưa thấy có tài liệu nghiên cứu. Nhưng nhiều loài Erythrophloeum khác như E. guineense Don (mọc ở miền tây châu phi, E. couminga Baill (mọc ở Mangat) chứa trong vỏ nhữmg ancaliot rất độc: Erythophlein, casein, casaidin, counmingin là những este của metylaminoetanol CH2-NH-CH2-CH2OH và của dimetylaminoetanol (CH3)3-N-CH2-CH2OH.
- Mỗi một ancaloit có một axit riêng este hoá. Khi thủy phân axit, thì axit riêng này được giải phóng.
- Casain và casaidin là những ancaloit có tinh thể do Dalma chiết được từ năm 1935, là những dẫn xuất của dimetylaminoetanol. Các axit este hoá những ancaloit này là axit casaic và casaidic có cấu trúc ditecpen giống như những axit agatic và isoagatic thấy trong copal cùng thuộc họ đậu (copal là những cây cho nhựa thuộc các chi Trachylobium, Guibourtia và Hymenaea mọc ở vùng nhiệt đới châu Phi và châu Mỹ.
- Các axit casaidic có một chức axit và một nối kép. Axit casaidic còn có thêm hai chức ancola nhị, nhưng một chức chưa xác định được vị trí. Trong axit casaic thì một chức ancola nhị được thay đổi một chức xeton nhưng vị trí cũng chưa xác định được.
- Erythophlein là một ancaloit vô định hình, do Hardy và Gallois chiết được từ năm 1876, sau Merck cũng chiết được. Khi thủy phân sẽ cho metylaminoetanol và axit erythrophleic rất gần các axit nói trên. Nó có một nhóm metoxy và một chức rượu nhị.
- Chất coumingin được Dalma chiết từ cây couminga dưới dạng tinh thể, khi thuỷ phân cho dimetylaminoetanol và axit couminginic. Axit couminginic có cấu trúc một este. Khi thủy phân kiềm, nó cho axit casaic và axit hydroxy isovalerianic (CH3)2-C(OH)-CH2COOH.
Tác dụng dược lý
- Tại nước ta chưa thấy tài liệu nghiên cứu. Trước đây trong hồi Nhật thuộc, tại huyện Gia Lâm, có người cung cấp cám nuôi ngựa cho Nhật đã trộn mạt cưa gỗ lim vào cám làm cho ngựa của Nhật chết.
- Tronh nhân dân, đã biết trong gỗ lim có chứa độc cho nên không dùng gỗ lim làm thớt.
- E.G. Paris (1948, Ann. Pharm. FR. VI, 50 508) đã nghiên cứu gỗ lim về mặt vi phẫu hoá học đã đi đến kết luận rằng độc tính của lim rõ rệt, nhưng ít độc hơn vỏ cây lim guineensis và E. cuminga, nhưng gần như cây E. ivorensi. Tuy nhiên toàn bộ vỏ có độc tính 10 lần mạnh hơn trọng lượng casain chiết được từ cùng một trọng lượng vỏ, có thể do trong vỏ lim còn có những ancaloit khác, saponin làm tăng độ độc của vỏ.
- Tại các nước châu Phi, nhân dân dùng vỏ cây lim E. guineense để chế thuốc độc, khi bị ngộ độc co quắp mạnh và chết do tim ngừng tâm thu.
- Những ancaloit của vỏ lim có tác dụng gây tê và tác dụng trên tim giống như các heterozit chữa tim trong lá Digitalis. Với liều nhỏ các ancaloit làm tăng lưu lượng máu ở tim, với liều cao gây loạn nhịp tim.
- Về tác dụng và độc tính thì coumingin độc nhất sau đến erythrophlein, casein và casaidin. Coumingin > erythrophlein > casain > casaidin.
- Những axit kết hợp với các ancaloit trên không có tác dụng. Nó chỉ có tác dụng khi được kết hợp dưới dạng este với metylaminoetanol hay với dimetylaminoetanol.
- So sánh cấu trúc hoá học của những ancaloit vỏ lim với cấu trúc của những heterozit chữa tim trong lá Digitalis chỉ thấy có cùng một nhân phenanthren. Nhận xét rằng nhân phenanthren có cả ở trong axit mật, Rizixka Plattner và Engel đã chế từ axit mật các este của metyl và dimetylaminoetanol và các hợp chất chế được cũng hơi có tác dụng của những heterozit chữa tim.
- Ngoài vỏ lim, trong nhân dân còn cho rằng nấm lim (nấm mọc trên cây lim) thuộc chi Ganoderma là một thứ thuốc mê mạnh. Người ta cho rằng trước đây mẹ mìn (một loại người chuyên đi rủ rê bắt cóc trẻ em đem đi bán loại người này có nhiều trong hồi Pháp thuộc) thường dùng nấm lim trộn với bột để làm thuốc bùa mê, có khi dùng để ăn trộm lợn, ngựa. Chưa có ai nghiên cứu xác minh lại. Theo E. G. Paris nấm lim không có ancaloit và không độc. Những năm 1980, nấm Ganoderma (nấm long chi-coi chữ này) được coi là một vị thuốc bổ.
Công dụng và liều dùng
Như trên đã nói vỏ lim hiện chưa được dùng làm thuốc, thường chỉ là nguyên nhân của một số trường hợp ngộ độc. Nhưng nấm linh chi được sử dụng chữa nhiều bệnh. Hiện nay một số nhà nghiên cứu đang nghiên cứu làm thuốc chữa bệnh tim.
Chú thích: Loài Ganoderma lucidum được xác định là một loại thuốc đông y quý mang tên linh chi.