Nguồn gốc
- Mạch nha chính thức là hạt lúa mạch Hordeum sativum Jess. var. vulgare Hack hoặc một loài Hordeum khác thuộc họ Lúa Poaceae (Gramineae) cho mọc mầm rồi sấy khô ở nhiệt độ dưới 60oC.
- Ở Việt Nam ta vì chưa có lúa mạch, vẫn dùng hạt thóc tẻ (thóc chiêm hay thóc mùa đều được) Oryza sativa L. var. utilissima cùng họ để ngâm cho nẩy mầm rồi phơi khô, gọi là cốc nha. Mới đây ta có nhập giống lúa mạch về trồng để chế biến bia nhưng chưa đủ dùng.
- Muốn có thóc nảy mầm, chỉ cần đãi thóc sạch, đất cát, ngâm nước cho ẩm, sau đó ủ kín, thỉnh thoảng tưới nước để giữ ẩm đều sau vài ngày hạt thóc nảy mầm, khi nào một số mầm bắt đầu xanh thì lấy ra phơi nắng cho khô, để nguyên hoặc tán nhỏ, sẩy hết trấu mà dùng.
Thành phần hóa học
Trong mạch nha cũng như thóc nảy mầm có tinh bột, chất béo, protit, đường mantoza, sacaroza, các men amylaza, mantaza, vitamin B, C, lexithin
Công dụng và liều dùng
Mạch nha hay mầm thóc do chứa các chất men, các chất có thể hấp thụ được ngay cho nên giúp sự tiêu hóa các thức ăn chứa tinh bột và có tác dụng bồi bổ tốt cho người ăn uống kém tiêu, không muốn ăn.
Do các vitamin B,C cho nên còn dùng chữa các bệnh phù do thiếu vitamin. Ngày dùng 12-13g dưới hình thức nước pha hay cao mạch nha. Muốn chế cao mạch nha cần tán bột mạch nha, chiết suất bằng nước ở 60oC và cô đặc ở nhiệt độ thấp dưới 60oC.