Mô tả
- Cây nhỏ hoặc cây bụi dạng leo, cao 2-3m, thân cây có nhiều gai nhọn.
- Lá mọc so le hình bầu dục-thuôn, dài 6-9cm, rộng 2,5-3cm, gốc hẹp, đầu nhọn hoặc hơi tù, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt, lá kèm hình tam giác, hơi tù có lông.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, cụm hoa đực có cuống dài, mọc thành chùm ngắn; cụm hoa cái không cuống, tụ họp thành đầu, hoa 3-4 lá đài bằng nhau.
- Quả kép gồm nhiều quả nhỏ, hình ô van, hơi cụt ở đầu, chẽ ba. Toàn cây có nhựa mủ trắng.
- Mùa hoa tháng 4-5, mùa quả tháng 10-11.
Phân bố, sinh thái
Phân bố: Mỏ quạ là loài quen thuộc, phân bối tương đối phổ biến ở các tỉnh vùng núi thấp (dưới 1000m), trung du và đồng bằng.
Bộ phận dùng: Rễ và lá, thu hái quanh năm. Lá dùng tươi, rễ phơi khô
Thành phần hóa học
- Gỗ thân mỏ quạ có chất nhuộm gọi là morin hoặc maclurin.
- Lá có flavonoid
Tác dụng dược lý
- Các thành phần flavonoid và coumarin của lá mỏ quạ có tác dụng kháng sinh ở mức độ vừa, nhưng lại có khả năng tăng cường thực bào, tăng cường chuyển dạng lympho bào, có biểu hiện chống choáng phản vệ, giãn mạch và cường tim nhẹ.
- Các hợp chất polyphenol chứa trong lá mỏ quả cũng được sử dụng điều trị vết loét có mủ, các vết thương phần mềm, loét kẽ ngón chân.
- Cao nước lá mỏ quạ có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn: tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E.coli, shigella flexneri, B.subtilis
Tính vị công năng
Tính vị: vị đắng, tê, tính ấm
Tác dụng: sát trùng, giảm đau
Công dụng:
- Lá mỏ quạ tươi được dùng chữa vết thương phần mềm.
- Lá còn được dùng điều trị vết bỏng, vết loét tử cung và mụn nhọt.
- Rễ được dùng làm thuốc khứ phong, hoạt huyết, bị đánh gây thương tích,bế kinh.
- Rễ còn chữa phù thũng với liều 6-12g rễ khô, sắc uống. Thường phối hợp với rễ cà gai leo, rễ gai tầm xoong, lá cây đa lông, lá lốt, lá mã đề.
- Quả dùng ăn được hoặc để nấu rượu. R
Liều dùng:
- 12-40g dạng thuốc sắc.
- Cũng thường phối hợp với các vị thuốc khác. Lá có thể dùng cho tằm ăn và dùng chữa các vết thương phần mềm.
- Ở Thái Lan, người ta còn dùng gỗ trị sốt mạn tính làm thuốc bổ và trị ỉa chảy.
Bài thuốc có vị Mỏ quạ
Chữa lao phổi, ho ra máu hoặc khạc ra đờm lẫn máu: Mỏ quạ 40g, Dây Rung rúc 30g, Bách bộ và Hoàng liên ô rô, mỗi vị 20g sắc uống.
Chữa kinh giản, lên cơn hằng ngày hay 3-4 ngày phát một lần: Dùng Mỏ quạ, hạt Cau, Thảo quả, mỗi vị 20g sắc uống (theo Hoạt nhân toát yếu).
Chữa vết thương phần mềm (theo kinh nghiệm của cụ lang Long ở Hải Hưng):Lá Mỏ quạ tươi, lấy về rửa sạch bỏ cuống, giã nhỏ đắp vào vết thương. Mỗi ngày dùng lá Trầu không nấu nước, pha thêm một cục phèn 8g hoà tan rửa vết thương, rồi đắp thuốc mới, độ 3-5 ngày là khỏi. Nếu vết thương xuyên thủng thì đắp hai bên dính lại ngày làm một lần.
Hỗ trợ điều trị phong thấp: Mỏ quạ gai 40g, cành dâu, quế chi, thiên niên kiện mỗi vị 20g. Cho tất cả các vị vào ấm đổ 550ml nước sắc nhỏ lửa còn 250ml chia 2 lần uống trong ngày. 10 ngày một liệu trình.
Phụ nữ bế kinh: Lấy 30g rễ mỏ quạ gai rửa sạch, đổ 500ml nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 10 ngày trước chu kỳ kinh.
Hỗ trợ điều trị ho do lao phổi: Rễ mỏ quạ gai 40g, rung rúc 30g, bách bộ, hoàng liên ô rô, mỗi vị 20g. Tất cả rửa sạch cho vào ấm đổ 700ml nước, sắc còn 350ml, chia 3 lần uống trong ngày, uống lúc còn ấm. 15 ngày 1 liệu trình.