Mục lục
Mô tả
- Cây nhỏ 1-5m, có gai. Cành lá sum suê; lá đơn mọc so le, màu lục sẫm bóng; hình trái xoan hay tròn dài, cuống có cánh rất nhỏ, dày và cứng. Chùm hoa ngắn ở nách lá hay ở ngọn; hoa trắng, cánh hoa dài 7-9mm; nhị 15-20. Quả nhỏ hình cầu, rộng 1,5-3,5cm, màu vàng da cam bóng, có 5-6 múi, nạc chua; hạt có màu xanh.
- Có quả từ tháng 12 đến tháng 3 năm sauBộ phận dùng
- Quả – Fructus Fortunellae Japonicae. Lá và vỏ cũng được dùng.
Nơi sống và thu hái
Gốc ở Trung Quốc và Nhật Bản, được thường trồng làm cảnh ở khắp cả nước ta, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán vì dáng cây đẹp, tán lá sẫm màu, quả nhiều màu vàng da cam đẹp.
Tính vị, tác dụng
- Quả có vị chua, hơi ngọt, tính bình.
- Năm 1942, cụ Phó Ðức Thành đã viết trong Việt Nam Dược học: Quất chuyên chữa về lá gan, dạ dày, thông xuất hung cách, tiêu hoá thực tích, trừ ách nghịch, chữa tiêu khát, giải tửu độc, trừ uế khí.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Ngoài việc dùng quả để ăn uống và làm mứt, làm nước quả nấu đông, xirô, người ta còn dùng quả làm thuốc. Mứt Kim quất chữa các chứng ách nghịch, giúp sức tiêu hoá cho dạ dày, công hiệu hơn Sa nhân. Rượu Kim quất dùng để chữa: gan uất kết, tỳ vị yếu hèn, lại trừ được đờm tích và chữa ẩu thổ.
- Nay ta dùng quả làm thuốc ngậm chữa ho, viêm họng (thường chưng với đường phèn hoặc Mật ong), và cũng dùng lá và vỏ có tác dụng như Quýt. Mứt Quất hoặc Quất ngâm đường dùng rất tốt vừa bổ dưỡng vừa trị ho.
Một số bài thuốc dùng Quất
Quả quất rất giàu chất pectin, là chất sợi hòa tan, có tác dụng ngoại hấp cholesterol trong máu, giúp phòng ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, quất có chứa đường, acid hữu cơ, vitamin C (0,13- 0,24 mg %), các hoạt chất có tác dụng sát khuẩn, chống viêm, nhuận trường, tăng cường chức năng tiêu hóa, kích thích hệ thần kinh trung ương, an thần, hạ huyết áp, chống oxy hóa, tăng cường miễn dịch, phòng ngừa ung thư…
Trong lá tươi và chồi có chứa tinh dầu tỷ lệ 2,21 %. Lá và hạt quất cũng được dùng làm thuốc. Sau đây là một số bài thuốc có dùng quất :
Chữa ho trẻ em:
Quả quất chín 10-15g, hoa hồng trắng 10-12g, hạt chanh 6-8g. Tất cả cho vào tô cùng với một ít mật ong hoặc đường phèn, chưng cách thủy hoặc hấp trong nồi cơm 15-20 phút. Lấy ra nghiền nát, chia 2 lần cho trẻ uống trong ngày.
Chữa ho nhiều đàm:
Quất chín 5-8 quả, đường phèn vừa đủ, đem hấp cách thủy, dùng ăn trong ngày.
Chữa nôn mửa do lạnh bụng:
Vỏ quất 10-12g, gừng tươi 10-12g, hai thứ hơ lửa cho sém cạnh. Nấu với 500 ml nước, sắc còn 200 ml, chia 2 lần uống trước bữa ăn.
Chữa bụng lạnh, ăn không tiêu, đầy trướng:
Dùng quất chín 10-12 quả, ăn tươi vào lúc đói bụng.
Chữa cảm mạo phong hàn, không ra mồ hôi:
Lá quất 30g, nấu với 300 ml nước, sắc còn 200ml, uống nóng cho ra mồ hôi.
Một số cách chế biến từ quất
Quất muối:
Rửa quả quất thật sạch, để ráo nước, xếp vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh,cứ một lớp quất xen với một lớp muối, rồi đem phơi nắng. Thời gian cất giữ càng lâu,công hiệu càng tốt. Khi sử dụng, lấy 5-10 quả quất muối nấu nước uống hoặc giã nát, pha nước rồi quậy đều để uống. Tác dụng: chữa ho đàm, khô cổ, sau khi ăn bị nặng ngực, đàm vướng trong cổ không khạc được. Nếu dùng để giải khát thì lấy 2-4 quả, giã nát, hòa với nước đường hoặc nước pha mật ong để uống.
Kim quất:
Lấy 1 kg quả quất chín, rửa thật sạch rồi để ngoài gió cho đến lúc lớp vỏ ngoài nhăn nheo. Dùng 8g bạch phàn (phèn trắng, phèn chua – Alumen), 50g phát tiêu (mang tiêu Natrium Sulfuricum – Na2SO4,10H2O),100g muối ăn. Tất cả nghiền thật mịn, trộn đều với quả quất, đựng vào chậu sành, đem phơi nắng. Thỉnh thoảng trộn đảo đều cho tới khi thật khô, đem cất vào hũ sành hoặc hũ thủy tinh để sử dụng. Những người bị đàm nhiều, nặng ngực, hít thở khó khăn, lên cơn suyễn, cổ họng bị viêm sưng, dùng 2-4 quả kim quất này để ngậm,nuốt nước từ từ, sẽ giúp tiêu đàm, thuận khí tiêu viêm.