Mục lục
Mô tả
- Cây thảo, sống lâu năm. Thân và cành mảnh, mọc tỏa sát mặt đất, dài và nhẵn. Lá mọc vòng 2 – 5 to nhỏ không đều, hình mác thuôn, dài 1 – 3 cm, rộng 3 – 10mm, gốc và đầu nhọn; lá kèm rất nhỏ, sớm rụng.
- Hoa mọc tụ tập 2 – 5 cái ở kẽ lá, màu lục nhạt, có cuống dài, đài 5 răng hơn không bằng nhau, những lá phía ngoài ngắn, những lá bên trong rộng hơn, không có cành hoa, nhị 5, chỉ nhị đều, bầu thuôn, thắt lại ở hai đầu.
- Quả nang, mở ở cạnh bên theo chiều dọc, hạt hình thận.
- Mùa hoa quả: tháng 4 – 7.
Phân bố, sinh thái
Chi Glinus L . gồm một số loài đều là thân cỏ, phân bố ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, có 3 loài. Rau đắng đất phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á, từ Ấn Độ đến Malaysia, Campuchia, Việt Nam và đảo Hải Nam, Trung Quốc
Ở Việt Nam, rau đắng đất phân bố dọc theo các tỉnh ven biển, từ Nam Định đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cây ưa sáng, thường mọc trên đất pha cát ở các ruộng hoang, các hố nông cạn nước về mùa khô, đôi khi thấy cả ở quanh làng, ven đường đi. Do khả năng phân nhánh khỏe, nên cây thường mọc thành đám dày đặc, lấn át các loại cỏ khác. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
Bộ phận dùng
Toàn cây
Thành phấn hóa học
Rau đắng đất chứa chủ yếu saponin và flavonoid. Từ lá các tác giả đã phân lập được spergulagenin A là một sapogenin triterpen.
Tác dụng dược lý
Rau đắng đất có tác dụng kiện vị , sát trùng, nhuận tràng .
Tính vi, công năng
Toàn cây rau đắng đất có vị đắng , tính mát , có tác dụng lợi tiêu hóa, khai vị, lợi tiểu … nhuận gan, hạ nhiệt
Công dụng
Trong nhân dân, rau đắng đất được dùng làm thuốc hạ sốt, chữa bệnh về gan, vàng da.
Liều dùng: mỗi ngày 20 – 30g, sắc nước uống. Ở Ấn Độ, toàn cây rau đắng đất được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, và điều trị ứ sản dịch. Cây giã nát trộn với dầu castor đắp nóng chữa đau tau, dịch chiết từ rau đắng đất trị ngứa và bênh ngoài da.
Bài thuốc có rau đắng đất
Thuốc thanh gan, giải độc: Rau đắng 6g, nhân trần (hoặc bồ bồ ) 5g, dành dành 5g, cỏ xước 6g, rau má 6g, ké đầu ngưa 6g, dây khổ qua 6g, cỏ mực 8 g, muỗng trâu 6g, rẻ tranh 6g. sài đất 6g, cam thảo 3g. Sắc nước uống hoặc tán bột, luyện thành viên uống (kinh nghiệm của lương y Đỗ Vân Tranh, An Giang),
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam .