Mô tả
- Cây bụi nhỏ, cao 1 – 1,5m, có khi đến 3m. Cành mảnh, bén rễ từ gốc, có lông rải rác và áp sát.
- Lá nhỏ, mọc so le hoặc tụ họp nhiều cái trên những cành già, hình dải thuôn, dài khoảng 1,5cm, rộng 6 – 7mm, có lông, gân phụ mờ; cuống lá dài 1mm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm rất ngắn, ít hoa, có lá ở gốc; hoa 2 – 3 cái không cuống, màu trắng hồng, đài hình chuông, ống ngắn có lông, răng hình dải – tam giác, phủ nhiều lông, tràng hình chuông hoặc hình phễu, có ống phình ở họng, 5 cánh thuôn hoặc hình mác tù, dài bằng ống tràng; nhị 5, chỉ nhị định ở gần gốc, nhẵn, bao phấn thụt, nứt bên; bầu nhẫn, 2 – 4 ô, noãn gần hình cầu.
- Quả hạch màu vàng nhạt, to bằng hạt đậu, hạt 1 ở mỗi ngăn quả, có vỏ cứng.
- Mùa hoa quả: tháng 12 – 3.
Phân bố, sinh thái
Rì rì cát phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt bao gồm mạn đông Brazin, tây Phi và từ Ấn Độ qua Mianma sang mạn nam Trung Quốc xuống Đông Dương và các quốc gia Đông Nam Á, cũng như một số quần đảo ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cây phân bố rộng rãi khắp các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du, nhất là ở miền Trung.
Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc dọc theo các con sông suối từ trong đến cửa rừng và các vùng đồi thấp.
Bộ phận dùng:
Toàn cây.
Thành phần hoá học
Rì rì cát chứa bauerenol, α-amyrin và β-amyrin.
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống tạo sỏi đường tiết niệu: Ở lô chuột cho ăn chế độ thức ăn có 3% acid glycolic nhưng đồng thời cho uống nước sắc toàn cây rì rì cát, nồng đồ calci và oxalat trong nước tiểu giảm hẳn, tức là rì rì cát có tác dụng ức chế các yếu tố tạo thành sỏi.
Tác dụng ức chế thần kinh: Cho chuột nhắt trắng uống cao khô rì rì, kết quả thấy chuột giảm hoạt động.
Công dụng
Nhân dân ta dùng toàn cây sắc nước uống để cho ra mồ hôi và để lợi tiểu. Liều 10 – 20g sắc lấy nước uống khi còn nóng, ngày 1 thang chia 2 lần.
- Ở Campuchia, toàn cây rì rì cát sắc lấy nước uống để chữa sốt rét.
- Ở Ấn Độ, rễ sắc lấy nước uống để chữa trĩ, sỏi bàng quang và bệnh hoa liễu [Chopra et al., 2001:174] [Kirtikar et al., 1998, III: 1684]. Có tài liệu cho rằng để chữa trĩ, sỏi tiết niệu và bệnh hoa liễu nên dùng rễ [Srivastava 1989:122], còn để làm cho ra mồ hôi, lợi tiểu và nhuận tràng thì nên dùng thân rì rì cát [Perry et al., 1980: 62].