Mục lục
1. Mô tả cây sâm đại hành
Thân: Là cây thảo dược sống lâu năm, có phần thân hành hình trứng, đường kính khoảng 2,5 cm. Vỏ ngoài dày, màu đỏ tím, không có lớp màng bao bọc.
Rễ: Mềm, màu vàng nâu.
Lá: Dài 25-40 cm, rộng 1,2-2 cm, có dạng thuôn dài hoặc hình mác rộng. Gốc lá hình nêm, đầu lá nhọn, trên lá có 4-5 gân chạy dọc song song và nổi rõ, tạo thành các nếp nhăn đặc trưng.
Hoa:
- Mọc thành cụm hoa tán xim ở đỉnh cuống hoa.
- Cuống hoa cao 30-42 cm, có 3-5 nhánh, mỗi nhánh có lá bắc dạng lá dài 8-12 cm, rộng 5-7 mm.
- Hoa màu trắng, không có ống tràng rõ rệt.
- Cánh hoa có 6 cánh xếp thành 2 vòng, các cánh hoa bên trong và bên ngoài gần như có kích thước tương đương, hình ngược mác.
- Nhị hoa có 3 nhị, bao phấn gắn theo kiểu chữ T, chỉ nhị gắn ở gốc cánh hoa.
- Bầu nhụy thuôn dài, chia thành 3 ô.
- Mùa hoa vào tháng 6.
2. Phân bố, sinh thái
2.1. Phân bố
Sâm đại hành có nguồn gốc ở châu Mỹ, hiện được trồng ở vùng nhiệt đới châu Á, bao gồm Indonesia, Philippin và một số nước khác trong vùng Đông – Nam Á, trong đó có Việt Nam (Sel. Med. Pl. VO.I, 1999, 316). Cũng có những tài liệu cho rằng, sâm đại hành là loài đặc hữu Đông Dương, vừa thấy mọc hoang lại vừa được trồng ở Việt Nam (Võ Văn Chi, 1996; Đỗ Tất Lợi, 1971). Tuy nhiên, trong suốt quá trình điều tra dược liệu ở khắp Việt Nam, từ 1961 đến nay, Viện Dược liệu chưa phát hiện và thu được mẫu của loài này trong trạng thái hoang dại.
2.2. Môi trường sinh trưởng
Sâm đại hành là cây ưa ẩm và ưa sáng. Tuy nhiên, trong một giới hạn nào đó, cây trồng xen ở vườn cây ăn quả vẫn sinh trưởng phát triển được, nhưng về số lượng nhánh (hành con) trong khóm cũng như mức độ ra hoa thấp hơn những cây trồng ở nơi được chiếu sáng đầy đủ. Sâm đại hành thích nghi cao với điều kiện khí hậu nhiệt đới nóng và ẩm. Cây trồng ở vùng núi cao trên 1500m nhiệt độ trung bình dưới 15°C, sinh trưởng phát triển kém hơn ở vùng đồng bằng và trung đu.
Sâm đại hành ra hoa nhiều hàng năm, nhưng dường như không thấy đậu quả. Quan sát những nơi trồng sâm đại hành lâu năm, chúng tôi chưa phát hiện thấy cây con mọc từ hạt. Điều này chứng tỏ nguồn gốc của cây sâm đại hành có lẽ không phải ở Việt Nam. Hình thức tái sinh và phát triển chủ yếu của cây là việc đẻ nhánh con (hành con). Sâm đại hành có hiện tượng bán tàn lụi vào mùa đông, sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm. Toàn bộ phần thân hành giữ được sức sống lâu sau khi đào lên khỏi mặt đất.
3. Cách trồng sâm đại hành
3.1. Điều kiện sinh trưởng
- Khí hậu: Thích hợp với khí hậu nóng ẩm, phù hợp trồng ở khu vực trung du và đồng bằng.
- Đất trồng: Chọn đất tơi xốp, thoát nước tốt. Nếu đất có khả năng thoát nước kém, cần lên luống cao hơn để tránh úng.
3.2. Nhân giống và thời vụ trồng
Nhân giống: Sử dụng thân hành của cây vụ trước, tách nhánh, cắt bỏ lá và rễ, chỉ giữ lại đế củ để trồng ngay.
Lượng giống: Khoảng 450 – 500 kg thân hành/ha.
Thời vụ trồng:
- Tốt nhất: Tháng 11 – 12.
- Có thể trồng vào tháng 2 – 3, nhưng năng suất sẽ thấp hơn.
3.3. Cách trồng
Chuẩn bị đất: Cày xới, làm sạch cỏ, bừa nhỏ đất.
Lên luống:
- Chiều cao: 20 – 25 cm (nếu đất thoát nước kém, có thể lên cao hơn).
- Chiều rộng rãnh: 25 – 30 cm.
Bón lót:
- Phân chuồng: 15 – 20 tấn/ha.
- Lân: 100 – 150 kg/ha.
- Kali: 50 – 75 kg/ha.
Có thể bổ sung tro để tăng dinh dưỡng.
Gieo trồng:
- Tạo rãnh hàng cách nhau 20 – 30 cm.
- Đặt củ chéo nanh sấu trong rãnh, khoảng cách 10 – 30 cm, tùy theo chất lượng đất.
- Phủ đất nhẹ, có thể dùng tay vùi củ xuống 2 cm, không cần rạch hàng.
- Tưới nước giữ ẩm để cây nảy mầm.
3.4. Chăm sóc
Tưới nước:
- Giai đoạn đầu, giữ đất đủ ẩm bằng cách tưới rãnh, ngâm nước qua đêm rồi tháo kiệt.
- Khi cây phát triển tốt, chỉ tưới khi trời khô hanh, thoát nước ngay khi mưa to.
Dặm cây:
Một số củ có thể bị thối, cần dự trữ giống để dặm bổ sung khi cây non có 2 – 3 lá.
Bón thúc (2 – 3 lần/ vụ):
- Mỗi lần bón: 50 – 60 kg/ha sulfat amoni.
- Cách bón: Pha với nước để tưới hoặc dùng phân chuồng hoai mục, nước giải pha loãng.
- Kết hợp làm cỏ, vun xới nhẹ mỗi lần bón thúc.
3.5. Phòng trừ sâu bệnh
Hành tím có sức đề kháng tốt, ít bị bệnh hơn nhiều loại rau khác. Tuy nhiên, việc phòng bệnh vẫn cần được ưu tiên. Để hạn chế sâu bệnh, cần dọn sạch cỏ dại trong ruộng, giữ đất thông thoáng bằng cách làm luống cao, rãnh sâu tránh ngập úng. Ngoài ra, không nên trồng hành quá dày để cây có đủ không gian phát triển.
Bệnh mốc sương gây đốm xanh xám hoặc nâu trên lá, lan rộng khi ẩm ướt. Để phòng ngừa, cần giữ ruộng khô ráo, luân canh cây trồng và hạn chế tưới nước vào chiều tối. Khi cây bị bệnh, có thể phun thuốc Methyltobuzin pha loãng 800-1200 lần hoặc Mancozeb 600-800 lần.
Bệnh thối nhũn làm thân hành bị mềm nhũn, có mùi hôi. Nguyên nhân chủ yếu do đất quá ẩm. Vì vậy, cần kiểm soát lượng nước tưới, không để ruộng bị ngập lâu. Khi bệnh xuất hiện, có thể dùng thuốc chứa oxyclorua đồng pha loãng 600 lần hoặc streptomycin 4000 lần để phun, đồng thời loại bỏ các cây bị nhiễm nặng.
Bệnh virus xoăn lá do rầy và bọ trĩ truyền bệnh. Để phòng ngừa, cần diệt côn trùng kịp thời bằng bẫy màu vàng dính hoặc phun Diflubenzuron vào sáng sớm, chiều mát. Nếu cây đã bị bệnh, nên nhổ bỏ để tránh lây lan.
Ngoài ra, một số loại sâu hại phổ biến như sâu xanh da láng, sâu khoang, bọ trĩ có thể gây tổn thất lớn. Việc bắt sâu thủ công vào sáng sớm, sử dụng chế phẩm sinh học như Bacillus thuringiensis hoặc các loại thuốc phù hợp như Abamectin, Spinetoram sẽ giúp kiểm soát tốt.
Khi phun thuốc bảo vệ thực vật, cần thực hiện vào sáng sớm hoặc chiều tối, tránh thời điểm gió lớn, trời mưa. Nên luân phiên các loại thuốc để tránh tình trạng sâu bệnh kháng thuốc và tuân thủ thời gian cách ly trước thu hoạch. Áp dụng đúng kỹ thuật giúp hành tím phát triển khỏe mạnh, năng suất cao.
3.6. Thu hoạch và bảo quản
Thời gian thu hoạch:
- Sau 1 năm: Khi cây tàn lụi vào mùa đông.
- Sau 2 năm: Nếu muốn thu hoạch chậm hơn, phải đợi đến mùa đông khi cây ngừng sinh trưởng.
- Không thu hoạch khi cây bắt đầu mọc mầm mới.
Cách thu hoạch:
- Chọn ngày nắng ráo, đất khô, dùng cuốc hoặc cày lật từng khóm.
- Rũ sạch đất, có thể phơi ngoài ruộng 1 – 2 ngày để dễ làm sạch.
- Tỷ lệ tươi – khô: Khoảng 5:1.
- Năng suất trung bình: 1,5 – 2 tấn dược liệu khô/ha.
4. Bộ phận dùng
Thân hành thu hái ở cây đã trồng được 1 năm trở lên, vào lúc thân lá đã tàn úa. Nếu chưa dùng ngay, tách ra từng nhánh, rũ sạch đất, để nguyên cả rổ và lớp vỏ khô ở ngoài, cắt bỏ phần thân lá, để trong cát ẩm hay chỗ mát cho củ lâu khô. Với cách này, có thể bảo quản dược liệu dược vài tháng. Khi dùng, rửa sạch thân rễ, thái mỏng phơi khô, để nguyên miếng hoặc tán bột.
Chú ý : Phải thái dọc, tránh vụn nát.
5. Thành phần hóa học
Sâm đại hành đã được Viện Dược Liệu nghiên cứu từ những năm đầu của thập kỷ 70 của thế kỷ trước . Năm 1973, Lê Hồng và cộng sự đã phân lập 4 chất từ dược liệu này . Vài năm sau , Nguyễn Văn Đàn và cộng sự nhận dạng được 3 chất là eleutherin, isoeleutherin và eleutherol
6. Tác dụng dược lý
1. Tác dụng kháng khuẩn và chống viêm
Sâm đại hành có khả năng ức chế mạnh các vi khuẩn như phế cầu khuẩn, liên cầu tan máu, tụ cầu vàng, và một số vi khuẩn đường ruột như Shigella dysenteriae. Đặc biệt, cao cồn 70° từ sâm đại hành có hiệu quả cao trong việc ức chế trực khuẩn lao, với nồng độ ức chế tối thiểu là 1/50 đối với chủng lao H37 RV.
Ngoài ra, sâm đại hành có tác dụng chống viêm rõ rệt cả trong viêm cấp tính và mạn tính. Một số hợp chất trong sâm đại hành như eleutherin, isoeleutherin và eleutherol giúp làm giảm viêm và tăng lưu lượng tuần hoàn.
2. Tác dụng trên hệ hô hấp
Viên sâm đại hành được thử nghiệm trên 53 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp trên do vi khuẩn hoặc virus, cho thấy hiệu quả tốt, giúp giảm triệu chứng nhanh và có thể thay thế kháng sinh trong các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ. Ngoài ra, khi kết hợp với INH và pyrazinamid trong điều trị lao phổi, thuốc giúp giảm ho, giảm khạc đờm, cải thiện giấc ngủ và tăng cảm giác ngon miệng.
Viên Đại Can (kết hợp sâm đại hành và xạ can) có tác dụng tích cực đối với viêm họng cấp tính nhẹ (85% hiệu quả), đồng thời hỗ trợ làm long đờm và giảm ho.
3. Tác dụng hỗ trợ tạo máu và thần kinh
Thử nghiệm trên chuột cống trắng bị thiếu máu do acetat chì cho thấy sâm đại hành giúp tăng số lượng hồng cầu và huyết sắc tố.
Trong hệ thần kinh, sâm đại hành có tác dụng an thần, giảm hoạt động tự nhiên, kéo dài giấc ngủ do thuốc ngủ evipan gây ra, đồng thời ức chế sự hưng phấn do caffeine và giảm co giật do strychnine. Viên Sâm Vông (kết hợp sâm đại hành và lá vông) có hiệu quả với người mất ngủ do viêm đại tràng, loét dạ dày nhưng tác dụng hạn chế với mất ngủ do nhiễm khuẩn hoặc suy nhược thần kinh.
4. Ứng dụng trong điều trị bệnh da liễu
- Bệnh chốc: Sâm đại hành được thử nghiệm trên 78 bệnh nhi bị chốc đơn thuần và chốc chàm hóa, cho kết quả khả quan, giúp giảm vi khuẩn tụ cầu vàng và liên cầu.
- Bệnh tổ đỉa: Điều trị 31 bệnh nhân với viên uống và mỡ sâm đại hành cho thấy 86,36% hết nhiễm trùng, 58% giảm nhiều mụn nước.
- Bệnh vảy nến: Trong 25 bệnh nhân (gồm thể giọt và thể mảng), có 32% cải thiện tốt và 28% đỡ hơn sau 2-5 tháng điều trị.
- Eczema: Cao dán Đại Na (kết hợp sâm đại hành và núc nác) giúp giảm triệu chứng, đặc biệt khi tổn thương đã sạch mủ.
5. Hỗ trợ vết thương và hậu phẫu
Viên sâm đại hành được sử dụng sau phẫu thuật ruột thừa và đặt vòng tránh thai, giúp vết thương tiến triển tốt mà không gây tác dụng phụ. Ngoài ra, sâm đại hành còn hỗ trợ chữa lành vết bỏng và vết thương có mủ.
7. Tính vị, công năng
Sâm đại hành vị ngọt nhạt, tính bình, vào 3 kinh : can, tỳ, phế, có tác dụng giảm ho, cầm máu, tiêu độc, kháng khuẩn, tiêu viêm.
8. Công dụng của sâm đại hành
Thuốc bổ máu chữa thiếu máu, vàng da, xanh xao, hoa mắt, choáng váng, nhức đầu, mệt mỏi. Thuốc cầm máu dùng trong băng huyết, ho ra máu, bị thương chảy máu (dùng củ tươi, giã đắp). Còn dùng chữa ho gà, viêm họng, mụn nhọt, chốc lở. Ngày dùng 4 – 12g, dạng thuốc sắc.
- Ở Indonesia, rễ sâm đại hành được dùng theo kinh nghiệm dân gian làm thuốc lợi tiểu, trị lỵ, viêm và sa trực tràng.
- Ở Philippin, nhân dân dùng rễ củ giã nát đắp lên vết cắn của cá độc, để nhổ gai ở chân, và đắp vào vết châm đốt của sâu bọ, vết thương, nhọt. Rễ củ nướng, giã nát, xát vào bụng chữa đau bụng, ở Peru, thổ dân vùng Amazon dùng sâm đại hành trị rối loạn tiêu hóa và bệnh ngoài da.
- Ở vùng trung Hải, rễ sâm đại hành trị vô kinh dưới dạng thuốc sắc hoặc ngâm rượu uống.
9. Bài thuốc có sâm đại hành
1. Rượu sâm đại hành (chữa thiếu máu, xanh xao, vàng da hay mệt mỏi): Sâm đại hành phơi khô thái mỏng (100g), rượu trắng (30°) vừa đủ 1 lít. Ngâm 7-15 ngày. Thêm đường cho đủ ngọt. Ngày uống 30 ml, chia làm 2 lần trước bữa ăn. Uống liên tục 15-20 ngày.
2. Rượu bổ huyết trị tê thấp: Sâm đại hành, bổ cốt toái, đương quy, bạch chỉ, cẩu tích, độc hoạt, mỗi vị 50g, ngâm vói 2 lít rượu, uống dần.
3. Thuốc tiêu độc:
- Sâm đại hành 30g dưới dạng chè thuốc và sirô cho trẻ em.
- Sâm đại hành, sài đất, bồ công anh, cam thảo đất, ké đầu ngựa, kim ngân, kinh giới dưới dạng cao lỏng.
4. Chữa mụn nhọt sưng tấy: Sâm đại hành 4g; bông trang, đơn tướng quân, bồ công anh, sài đất, mỗi vị 16g. sắc uống.
5. Chữa viêm họng, viêm phổi, sưng amiđan: Sâm đại hành 3g; vỏ rễ dâu, cỏ nhọ nồi, sài đất, bách bộ, mạch môn, mỗi vị 12g. sắc uống.
6. Thuốc an thần Passerynum, làm ngủ dễ và ngon giấc: Sâm đại hành, lạc tiên, vông nem, lá sen, thảo quyết minh, hạt tơ hồng, lá dâu, hạt keo dậu. Nấu cao và làm viên.
7. Chữa ho viêm phế quản: Sâm đại hành, rễ dâu, lẻ bạn, mỗi vị 20g; cam thảo nam, lá chanh, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
8. Chữa viêm phế quản có nhiều đờm: Sâm đại hành 100g, hạt đình lịch 200g, gừng khô 50g, bán hạ 30g, trần bì 20g, phèn phi 20g. Hạt đình lịch sao đen, bán hạ chế, sâm đại hành thái mỏng phơi khô, các vị hợp lại tán nhỏ, gừng nấu nước luyện hoàn 0,30g, sấy khô. Ngày uống 8g, chia 2 lần.
9. Chữa ho viêm họng trẻ em: Sâm đại hành 100g, xạ can 50g. sắc nước, cô đặc, pha thành 300 ml sirô. Mỗi ngày uống 12 – 30 ml sirô chia 3 lần tùy theo tuổi.