- Cây bụi nhỏ, cao 2 – 4 m, tán lá tròn. Thân cành hình trụ, phình lên ở mấu, khi non có lông mềm, sau nhẵn, màu xám nâu. Lá mọc đối, hình trứng, dài 4,5 – 7,5 cm, rộng 2-3 cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, mặt trên nhẵn, mặt dưới có nhiều lông màu trắng bạc, có 3 gân rõ.
- Cụm hoa ngắn, ít hoa, mọc ở kẽ lá, cuống có lông; lá bắc hình bầu dục, có lá bắc con; hoa màu trắng thơm; dài có 4 răng nhỏ, có lông; tràng 4 cánh, có lông mềm; nhị rất nhiêu đính trên đế phảng có lông; chỉ nhị bằng nhau; bầu hạ, 1 ô, có nhiều noãn.
- Quả hình cầu, đường kính 6 mm, có đài tồn tại ở đỉnh, khi chín màu đỏ, sau đen; hạt hình nhiều cạnh.
- Mùa hoa quả: tháng 5-8.
Phân bố, sinh thái
Chi Rhodamnia chỉ có một loài là sim rừng ở Việt Nam. Cây còn phân bố ở các nước vùng nhiệt đới châu Á, như Lào, Campuchia, Thái Lan, Philippin. Sim rừng phân bố rải rác ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du, với mức độ rải rác hơn so với cây sim.
Cây ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc lẫn với các loài cây bụi hay cây gỗ thấp ở rừng thứ sinh, bờ nương rẫy và đồi cây bụi. Sim rừng ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên từ hạt hoặc gốc sau khi bị chặt phá.
Bộ phận dùng
Rễ, thu hoạch quanh năm, phơi khô, khi dùng ủ mềm, thái mỏng. Còn dùng lá và quả.
Tính vị, công năng
Sim rừng có vị chát, tính bình, có tác dụng thu liễm, chỉ tả, thông mạch máu, giảm đau nhức.
Công dụng
- Rễ sim rừng được dùng chữa đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, tiêu hóa kém, với liều 8 – 16g sắc với 400ml nước còn 100 ml uống làm 2 lần trong ngày.
- Dùng ngoài, rễ sim rừng nấu nước đặc rửa vết thương để phòng chống bội nhiễm.
- Nước sắc quả sim rừng trộn với dung dịch cồn an tức hương (nhựa cánh kiến), dùng bôi hàng ngày chữa loét và bệnh viêm lợi.
- Có tài liệu cho rằng lá, vỏ thân và quả sim rừng có cùng công dụng với sim để chữa tiêu chảy. Ở Malaysia, nước sắc rễ và lá sim rừng dùng cho phụ nữ sau khi đẻ và chữa đau dạ dày; chồi non giã nát đắp chữa bỏng.
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.