Mô tả cây
Thiên niên kiện là một cây sống lâu năm, có thân rễ mập, màu xanh, đường kính 1-2cm.
- Lá mọc so le, có cuống dài từ 18 đến 25cm, màu xanh, mềm, nhẵn, phía dưới cuống nở rộng thành bẹ có màu vàng nhạt; phiến lá hình đầu mũi tên, dài 11-15cm, rộng 7-11 cm, đầu nhọn, phía dưới hình cánh tên, mép nguyên, mặt trên lá có màu đậm hơn, hai mặt đều nhẵn, gân ở hai mép đều hướng về phía đỉnh lá.
- Cụm hoa là một bông mo màu lục nhạt, dài 4-5 cm, rộng 10-15 cm; mỗi khóm thường có 3-4 bông mo, cuống bông mo dài 5-15 cm, bông ngắn hơn mo, dài 3-4 cm.
- Mùa ra hoa: tháng 3-4. Mùa quả: tháng 5-6.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Thiên niên kiện mọc hoang rất nhiểu ờ các miền rừng núi của ta. Cây ưa những nơi ẩm ướt, cạnh suối hay dọc theo suối. Ta khai thác quanh năm. Một năm có thể thu mua tới 3.000 tấn.
- Hái về rửa sạch đất, bỏ rễ con, phơi hay sấy khô là được.
Tính vị, công năng
Thiên niên kiện có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh can, thận, có tác dụng trừ phong thấp, mạnh gân xương
Công dụng và liều dùng
Thiên niên kiện được dùng chữa thấp khớp, tay chân và các khớp xương nhức mỏi hoặc tê bại, rất tốt cho người cao tuổi, già yếu. Ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, rượu thuốc hoặc dạng bột phối hợp với nhiều vị khác làm hoàn tán.
- Cũng có thể dùng tươi giã nát, ngâm rượu xoa bóp chỗ đau nhức, tê bại.
- Rễ thiên niên kiện khô tán nhỏ dùng trong bài thuốc chữa phù cùng với lá phù dung, rễ cỏ xước, ý dĩ, hy thiêm, thổ phục linh.
- Ngoài ra, rễ thiên niên kiện giã với muối, đắp làm tan nhọt độc.
- Tinh dầu dùng chế dầu xoa.
Bài thuốc có thiên niên kiện
1. Chữa thấp khớp, đau nhức xương
a, Thiên niên kiện 12g, rễ cỏ xước 40g, hy thiêm 28g, thổ phục linh 20g, cỏ nhọ nồi 16g, ngải cứu 12g, thương nhĩ tử 12g. Sao vàng, sắc uống ngày một thang.
b, Thiên niên kiện 12g, bưởi bung 10g, quả dành dành 8g. Tất cả thái mỏng phơi khô, ngâm với rượu uống.
2. Chữa đau bụng kinh
Thân rễ thiên niên kiện, rễ bưởi bung, rễ bướm bạc, gỗ vang, rễ sim rừng các vị bằng nhau. Sắc uống
3. Chữa dị ứng, mẩn ngứa
Rễ thiên niên kiện, sả gừng, mỗi vị 10g. Sắc uống trong ngày.
Xem thêm: Thành phần hóa học tinh dầu Thiên niên kiện (Homalomena occulata (Lour.) Schott ở vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc
Nguyễn Thị Châm đã bình luận
Cho e hỏi thành phần hóa hóa của Thiện niên kiện là gì ạ
Lê Đào đã bình luận
Chào Châm, Về thành phần hóa học của Thiên niên kiện ạ, hàm lượng tinh dầu thu từ rễ loài này đạt 0,12% trọng lượng tươi, đã xác định được 54 hợp chất, chiếm 88,8% tổng lượng tinh dầu. Thành phần chính của tinh dầu là α-bisabolol (22,8%), benzyl benzoat (11,4%), linalool (8,6%).