Mô tả
- Cây nhỏ, cao 1m hay hơn. Cành hình trụ, có khía và lông trắng rải rác mọc áp sát, sau nhẫn và màu nâu nhạt.
- Lá kép gồm 3 lá chét dài 2 – 6 cm, rộng 1,8 – 5 cm, gốc và đầu tròn, mặt trên nhẫn, mặt dưới có lông; cuống chung dài 2 – 3,5 cm có lông, lá kèm hình tam giác nhọn, dài 1 cm.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm dài 15 – 20 cm, có lông, mỗi cuống mang 2 – 4 hoa màu trắng, lá bắc hình dải nhọn, có khía rõ; đài có lông áp sát, 4 thùy đều hình tam giác dài 1,5 mm, dài bằng ống đài; tràng dài 6 mm. Cánh có hình bầu dục, cánh bên thuôn có tay ngắn, cánh thìa hơi cong, dài bằng cánh bên 5 nhị 2 bó, bao phấn hình mắt chim, bầu dài 5 mm, có lông.
- Quả đậu, không cuống, thuôn có lông màu tro; hạt 5 – 10, có lông nhỏ dài 5 mm, rộng 3 mm.
- Mùa hoa: tháng 8 – 9; mùa quả: tháng 11 – 12.
Phân bố, sinh thái
Thóc lép bướm hay còn gọi là thóc lép hoa thưa phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Bao gồm Myanma, Nam Trung Quốc (bao gồm cả Hải Nam), Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippin, Indonesia. Ở Việt Nam, thóc lép bướm cũng phân bố rộng rãi gồm nhiều tình ở cả 2 miền Nam – Bắc, như: Điện Biên (Điện Biên Đông), Lào Cai, Cao Bằng (Hoà An), Hà Nội (Ba Vì), Ninh Bình (Cúc Phương), Kon Tum (Đắk Tô, Đắk Hà), Đắk Lắk (Krông Pắk), Lâm Đồng, Tây Ninh, Đồng Nai (Định Quán, Tân Phú)…
Thóc lép bướm là loại cây bụi nhỏ, ưa sáng, thường mọc lẫn trong các trạng cây bụi, ven rừng thông (Đắk Tô), ven rừng thứ sinh và bờ các nương rẫy. Cây có thể hơi chịu hạn và mọc được trên nhiều loại đất khác nhau.
Bộ phận dùng:
Rễ.
Thành phần hoá học
Thóc lép bướm chứa gangetin – α – pterocarpenoid (Phạm Hoàng Hộ, 2006).
Tác dụng dược lý
Độc tính cấp:
Toàn cây thóc lép bướm rửa sạch, chặt nhỏ, phơi, sấy khô, nghiền thành bột thô, chiết bằng ethanol 50%, cô thu hồi dung môi rồi cô dưới áp suất giảm đến thể chất cao khô. Xác định độc tính cấp của cao bằng cách hoà cao vào nước rồi tiêm phúc mạc cho chuột.
Đã xác định được LD50 của cao toàn cây thóc lép bướm, tiêm phúc mạc cho chuột nhắt trắng là 45 mg/kg, chứng tỏ nếu tiêm phúc mạc thì cao có độc tính khá cao. Khi dùng cho người thường để uống. Nhưng cũng cần thận trọng [Dhawan và Dubey et, al., 1950, phần 9: 594 – 606].
Tác dụng trên hồi tràng chuột lang cô lập: Cao chiết thóc lép bướm là giảm biên độ co bóp của hồi tràng do acetylcholin trên chế phẩm hồi tràng chuột lang cô lập [Tài liệu đã dẫn].
Tác dụng chống viêm cấp: Cao thóc lép bướm làm giảm viêm chân chuột có ý nghĩa so với lô đối chứng [Tài liệu đã dẫn].
Tính vị, công năng
Thóc lép bướm vị nhạt, tính mát, có công năng thanh nhiệt, thư căn hoạt lạc, hoạt huyết tán ứ.
Công dụng
Rễ thóc lép bướm được dùng để kích thích ăn uống, chữa phong tê thấp. Đồng bào Mường ở rừng Cúc Phương (tỉnh Hoà Bình) gọi thóc lép bướm là cây mui, dùng thân và lá nấu nước uống có tác dụng mát và bổ.
- Ở Vân Nam Trung Quốc, nhân dân dùng cây thóc lép bướm để trị rắn độc cắn, đòn ngã thương, đau dạ dày, sỏi bàng quang, viêm da di ứng.
- Ở Lào, cũng dùng nước sắc rễ để chữa đau dạ dày.
- Ở Ấn Độ, thóc lép bướm được dùng làm thức ăn cho trâu bò, toàn cây được dùng làm phân xanh [De Padua et al., 1999, vol.1: 245].