Bạch đàn trắng
Mô tả
- Cây gỗ thường xanh cao 20 – 30m. tán lá rộng lòa xòa. Thân thẳng. Vỏ thân màu xám nâu, thường bong thành từng mảng không đều. lá mọc so le, hình mác thuôn, dáng cong hình lưỡi liềm, dài khoảng 20cm, đầu hơi nhọn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt và nhẵn, mép lá nguyên.
- Cụm hoa mọc thành tán ở kẽ lá, dài khoảng 1,5 cm, hoa màu trắng, nhị nhiều.
- Quả có 4 ô , rộng 5 – 8 mm, hạt nhỏ.
- Mùa hoa quả : tháng 3 -5
Cây có tác dụng tương tự như
- Bạch đàn chanh
- Bạch đàn lá nhỏ
- Bạch đàn đỏ
- Khuynh tả diệp
Cây dễ nhầm lẫn:
Cũng tên bạch đàn nhưng Bạch đàn hương lại không nằm trong nhóm Bạch đàn Eucalyptus. Cây có tên nước ngoài là santal – wood tree (Anh), Santal blane (Pháp) chưa thấy xuất hiện ở việt nam.
Phân bố, sinh thái
- Bạch đàn trắng ở Việt Nam có nguồn gốc từ Australia. Cây được nhập trồng từ trước năm 1975 và những năm gần đây. Cây có thể sống được ở trên nhiều loại đất khác nhau, đặc biệt chịu được trên đất phèn nên được trồng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ở một số nơi trên thế giới người ta cũng trồng bạch đằng trắng để cải thiện đất ở vùng đầm lầy và vùng ven biển.
- Bạch đàn trắng là cây gỗ mọc nhanh, ra hoa quả nhiều cũng là đối tượng chú ý để trồng ở Việt Nam.
Bộ phận dùng
Lá.
Thành phần hóa học chính
Tinh dầu.
Công dụng
- Tinh dầu bạch đàn trắng được dùng làm thuốc chống diệt khuẩn đường hô hấp và một số bệnh ngoài da như tinh dầu bạch đàn chanh.
- Bạch đàn trắng là nguyên liệu chính cho chất gôm bạch đàn. Gôm này đôi khi được dùng chữa tiêu chảy, họng bị giãn, dùng làm săn và làm săn niêm mạc trong nha khoa và trong nhiễm trùng vết thương. Khi áp dụng làm chất gây săn trong chảy máu hoặc trường hợp thanh quản hoặc khí quản bị giãn, trộn lẫn gôm với một lượng tinh bột tương đương. Còn dùng gôm ở dạng thuốc đạn, bào chế với bơ ca cao. Tinh dầu bạch đàn trắng có kết quả hiệu quả trong điều trị bệnh lỵ mạn tính.
Bài thuốc
Thuốc giải cảm làm ra mồ hôi và chữa ngộ hàn, lạnh da và làm dầu xoa phòng bệnh.
- Gồm các tinh dầu nhẹ có tác dụng làm ra mồ hôi như bạch đàn, hương nhu trắng, sả, bạc hà, tràm phối hợp với một số tinh dầu nặng có tác dụng làm ấm bụng, chống lạnh nhiều hơn như màng tang, hồi, quế.
- Dùng uống 10 – 15 giọt uống với nước nóng, rồi xoa mũi, ngực, đầu, gáy và dọc hai bên sống lưng, đắp chăn nằm cho ra mô hôi để giải cảm và ớn lạnh; trị đau bụng lạnh da khó tiêu hoặc nôn đầy, uống mỗi lần 5 – 6 giọt, ngày 3 lần xoa bụng trên và dưới rốn.
Chú ý: cảm nắng và sốt nóng không dùng.
Nồi thuốc xông, chữa cảm sốt nóng, không có mồ hôi và không gai rét
Dùng vài ba vị thuốc sau đây: bạch đàn, cúc tần, cỏ sả, lá tràm, hương nhu, kinh giới, tía tô, mỗi thứ vài nắm, cho vào nồi, để nước ngập, đậy vung kín, đun sôi rồi bắc xuống rót ra một bát, úp đĩa lại, rồi xông cho bệnh nhân (trùm chăn, mở vung ra, xông hơi nước) cho ra mồ hôi. Lau khô mình rồi cho bệnh nhân uống bát thuốc, rồi cho bệnh nhân nằm nghỉ, đợi ra thêm một ít mồ hôi nữa là được.