Mục lục
Bìm bìm
- Tên tiếng việt : Bìm bìm
- Tên khoa học: Ipomoea cairica (L.) Sweet
- Tên đồng nghĩa: Ipomoea palmate Forsk.
- Tên nước ngoài: Bindweed morning – glory, railway creeper (Anh), ipome’e (Pháp)
- Họ Bìm bìm (Convolvulaceae)
Mô tả
- Dây leo bằng thân cuốn. Thân cành mảnh, nhẵn. Lá mọc so le, chia 5 thùy hình chân vịt, phiến rất mỏng, hình mác, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân nổi rõ, cuống lá dài 2 – 5 cm, có hai lá nhỏ kèm theo do chồi nách sinh ra.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá, lưỡng phân; hoa to, hình phễu, màu trắng hay lam tím: đài hình chén có tăng nhỏ; tràng có ống, 5 cánh mỏng hàn liền; nhị đính ở gốc tràng không thò ra ngoài.
- Quả nang, hình cầu.
- Mùa hoa quả: tháng 5 -9.
Phân bố sinh thái
- Bìm bìm là cây cỏ nhiệt đới, phân bố rải rác từ phía nam Trung Quốc đến việt nam và một số nước khác vùng Đông nam á. Ở việt nam bìm bìm thường thấy ở các tỉnh vùng núi thấp, trung du và cả ở đồng bằng. Cây còn được trồng ở bờ rào hay cho leo giàn để che nắng ở trước nhà và làm cảnh.
- Bìm bìm là cây ưa ẩm, ưa sáng, sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm. Trong 1 năm, thân và cành có thể vươn dài trên 10m. Cây có khả năng để nhánh khỏe từ các chồi ở kẽ lá. Mùa hoa quả kéo dài 4 – 5 tháng. Bìm bìm có hiện tượng ngừng sinh trưởng vào mùa đông. Vào thời kì này, người ta thường cắt bớt cành và thân, để năm sau cây tái sinh lứa chồi mới khỏe hơn.
Bộ phận dùng
- Toàn cây thu hái quanh năm, rửa sạch cắt ngắn, dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học
- Hạt bìm bìm chứ một hợp chất glucosid có màu vàng nhạt tương tự như chất muricantin A trong cây caloniction muricanin. Chất này có tác dụng tẩy mạnh.
Tác dụng dược lý
- Hạt bìm bìm có tác dụng gây tẩy do hoạt chất muricatin A. Các thành phần khác tham gia vào tác dụng này, nhưng không phải thành phần dầu béo, vì dầu béo chiết từ hạt bìm bìm không có tác dụng gây tẩy. Chất muricatin A thí nghiệm trên chuột cống trắng dùng với liều 0.5 g/kg có tác dụng gây tẩy rõ rệt. Còn thí nghiệm trên chó, muricatin A tiêm tĩnh mạch có tác dụng gây mê, dùng với liều bé (5-10 mg/kg) đối với huyết áp, hô hấp và hoạt động của ruột, thuốc không ảnh hưởng rõ rệt, còn dùng với liều 20 – 40 g/kg thì huyết áp tạm thời hạ, cơ trơn của ruột bị giãn. Chất muricatin B không có hoạt tính dược lý. Còn có tài liệu chứng minh bìm bìm có tác dụng kháng khuẩn.
Tác dụng công năng
- Bìm bìm có vị ngọt, tính hàn, vào các kinh can, phế, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc.
Công dụng
- Ở việt nam, bìm bìm được dùng phổ biến theo kinh nghiệm nhân dân, làm thuốc lợi tiểu, chữa đái rắt, đái ít, phù thũng.
- Ở Trung quốc, bìm bìm là thuốc chữa ho, phế nhiệt, tiểu tiện không thong, tiểu tiện ra máu, mụn nhọt, đầu đinh.
- Liều dùng: 3 -9 g dược liệu khô (hoặc 15 – 30 g cây tươi), sắc nước uống. Dạng chè làm từ bột mịn của cây bìm bìm đang có quả được dùng làm thuốc tẩy, làm giảm căng đầy khó chịu ở dạ dày.
Bài thuốc có bìm bìm
Chữa phù thũng (bụng to, da xanh, nặng mắt, nề mặt, ăn kém, phân lỏng)
- Lá bìm bìm non nấu canh với cá quả hoặc cá diếc, ăn hàng ngày đến khi đái được nhiều và nhẹ mặt. Trong quá trình dùng thuốc kiêng ăn mặn.
Chữa phụ nữ sau khi đẻ bị sưng mặt, nặng chân, da bủng, đái ít.
Lá bìm bìm 50 g, bèo cái (bỏ rễ) 50 g, lá dâu 50g, ích mẫu 50g, lá sen 2 cái, đỗ đen 1 chén nhỏ. Tất cả sao vàng, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, uống làm 2 lần trong ngày. Dùng lien tục trong 10 – 15 ngày. Kiêng ăn mặn.
Chữa đái rắt đái buốt
Lá bìm bìm và lá mảnh cộng với lượng bằng nhau 50 g. Sắc nước uống.
Chữa gãy xương
Dây bìm bìm dùng phối hợp với dây tơ hồng, dây đau xương và ráy leo. Các vị trên giã nhỏ trộn với ít rượu dùng đắp bó.
Chữa mụn nhọt, đầu đinh
Bìm bìm tươi 15 – 30 g, sắc nước uống: đồng thời dùng bìm bìm với lượng vừa đủ, giã nát đắp tại chỗ.