Mô tả cây
- Canh châu là một cây nhỏ có cành mang gai ngắn, cành non hơi có lông.
- Lá dai cứng, ở phía trên mọc đối, phía dưới mọc cách, phiến lá hình trái xoan dài 10cm rộng 8-35mm, mép có răng cưa nhỏ, phía đầu nhọn hơi tù, phía cuống tròn.
- Hoa mọc thành bông ở ngọn hay kẽ lá, bông dài 2,5 đến 5cm, đài hoa màu lục trắng, khi còn non có phủ lông mịn, cánh hoa so với đài hoa rất nhỏ.
- Quả hình cầu, đường kính 4-6mm, khi chín có màu tím đen nhạt, còn vòi và đài tồn tại.
Phân bố thu hái và chế biến
- Mọc hoang và được trồng quanh nhà ở miền Bắc và miền Trung nước ta. Còn mọc ở miền Nam Trung Quốc (Quảng Châu), Ấn Độ.
- Quả ăn được. Thường chỉ hái cành hay lá về phơi hay sấy khô mà dùng.
Thành phần hoá học
Chưa thấy tài liệu nghiên cứu.
Công dụng và liều dùng
- Nhân dân ta thường dùng cành và lá sắc với nước cho trẻ con mắc bệnh canh châu (lên thủy đậu) uống. Phòng sởi, đậu. Lá tươi nấu tắm rửa ghẻ lở.
- Một số nơi dùng cành lá trộn với lá vối hoặc nấu nước uống thay lá vối hằng ngày.
- Tại Ấn Độ cũng có nơi dùng lá này để uống thay chè .
- Quả có thể ăn được, có vị chua hơi ngọt.
Đơn thuốc có canh châu
- Chữa trẻ con lên canh châu: Ngày uống 12-16g, thêm nước 300 đến 400ml, sắc còn 200ml, chia 2-3 lần uống trong ngày. Uống luôn trong 1-2 ngày.
- Chữa sởi chậm mọc: Rễ thái mỏng 30g, hay lá 40g, nước 300ml. Sắc uống trong ngày, chia làm 3 lần uống.
- Chữa trẻ em sưng mặt, bị bệnh sởi, sốt, ho: Canh châu (cành và lá) 20g, tầm gửi cây khế 18g, sắn dây 12g, cam thảo dây 8g, hương nhu 8g, hoắc hương 8g. Sắc nước, chia làm 2 lần uống trong ngày.
- Chữa lở ngứa, mụn nhọt: Canh châu 24g, hạ khô thảo 20g, bồ công anh 20g, rễ cỏ xước 20g, đơn lá đỏ 10g. sắc uống chia 2 lần trong ngày.