Hình ảnh cánh kiến đỏ
- Tên khác: tử giao, tử ngạnh, xích giao, hoa một dược, dương cán tất, tử trùng giao, tử thảo nhung.
- Tên khoa học: Lacca-Stick-lac.
- Cánh kiến đỏ (Lacca) là chất nhựa màu đỏ do một loài rệp son cánh kiến đỏ-Laccifer lacca Kerr.-thuộc họ Sâu cánh kiến Lacciferidae hút nhựa cây chủ bài tiết ra. Tên con rệp son, có tác giả xác định là Tachardia lacca R. Bid. (Tachard là một nhà truyền giáo Pháp đã nghiên cứu cánh kiến đỏ ở Pondichery Ấn Độ và báo cáo ở Viện hàn lâm Pháp năm 1710), cũng có tác giả xác định là Carterìa lacca Sign, (do Carter đã nghiên cứu cánh kiến đỏ ở Bombay, Ấn Độ năm 18601861). Hiện nay tên Laccifer lacca Kerr. thông dụng hơn cả. Tuy nhiên có thể những chủng đó có chỗ khác nhau, ta chưa phát hiện được.
Mô tả con rệp son cánh kiến
- Rệp son cánh kiến là một côn trùng rất nhỏ, dài vào khoảng 0,6-0,7mm, rộng 0,3 đến 0,3 -0,355mm hình trông giống thuyền nhỏ, trên đầu có 2 râu, miệng có vòi nhỏ để hút nhựa. Thân có ngực gồm 3 đốt, 3 đôi chân, 2 đôi lỗ thở, bụng dài, ở phía cuối có 2 lông cứng dài.
- Rệp son có con cái con đực, nhưng từ khi nhỏ đến lớn có nhiều dạng khác nhau, trong con đực lại có con có cánh có thể bay từ cành này sang cành khác trên một khoảng cách không xa và có con đực không có cánh, chỉ bò quanh tập đoàn sâu nhựa mà thôi.
- Trong một tập đoàn, bình thường con đực chiếm 30-40%, con cái chiếm 60-70%. Con cái mới sản xuất ra nhựa cánh kiến, con đực cũng cho nhựa nhưng tổ nhỏ và mỏng. Tổ nhựa của con đực hơi hình thoi, còn tổ nhựa của con cái hình tròn. Khi mới ở tổ mẹ chui ra, con rệp son cánh kiến tìm đến những cành non thích hợp của cây chủ rồi định cư thành những tập đoàn bao bọc cả hay một phần chung quanh cành, chiều dài của tập đoàn (tổ nhựa) dài 2 đến 50cm có khi dài trên 1m.
- Khi rệp mới nở ra trông không rõ đực cái, cũng không thấy râu, chân và đuôi, chỉ là một hình bầu dục, đầu có vòi nhỏ cắm vào vỏ cây, hai bên lưng và đuôi có 3 chùm lông tơ trắng. Sau hai tuần định cư thấy xuất hiện các tổ nhựa đực (hình thoi) và tổ nhựa cái (hình đĩa tròn), sau 1 tháng rưỡi các tổ đã khít lại gần nhau, lúc này ta thấy có một số cánh kiến đực có cánh và không cánh đi tìm con cái để giao hợp. Con cái nằm nguyên trong tổ.
- Con đực chỉ sống 2-3 ngày, làm xong nhiệm vụ thì chết. Sau thời kỳ này tổ cái phát triển mạnh. Đến tháng 4-5 đối với vụ mùa hay tháng thứ 5 thứ 6 (đối với vụ chiêm), các tổ đã có chiều dầy 3- 6mm. Cánh kiến đỏ trưởng thành chỉ là một túi chứa đầy dung dịch màu đỏ có lẫn những hạt hình bầu dục nhỏ dài tức là trứng của nó. Trứng càng già thì dung dịch cằng đặc và khô dần, cuối cùng chỉ còn là một bọc nhăn nheo chứa đầy trứng. Số trứng trong con mẹ từ 200 đến 500 trứng, có khi tới 1.000 (nghiên cứu trong một thời gian, Viện nghiên cứu lâm nghiệp Việt Nam năm 1964 đã thấy số trứng từ 238 đến 454, trung bình là 332). Trên mỗi cm2 tập đoàn cánh kiến khi mới định cư có từ 80-120 con (Liên Xô cũ-Ấn Độ), nhưng tại Việt Nam có được 171- 176, trung bình 172 con.
Phát triển và thu hoạch
Muốn phát triển cánh kiến đỏ, cần chú ý 2 khâu:
- Chọn cây chủ tức là cây cung cấp thức ăn cho rệp son cánh kiến trong suốt cả vòng đời để sản xuất ra nhựa;
- Thả và thu hoạch cánh kiến.
Chọn cây chủ:
Người ta cho rằng rệp son cánh kiến thuộc loài tạp thực vì nó có thể ký sinh trên rất nhiều loài cây chủ. Theo kinh nghiệm của những nước Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Miến Điện thì chừng 240 loài thuộc 35 họ thực vật có thể làm cây chủ cho rệp son cánh kiến, nhưng ở Việt Nam tốt nhất là những cây đậu thiều Cajanus indicus, cây cọ phèn-Schleicheria trijuga, pic niếng Dalhergia obtusifolia, cọ khẹt Dalbergia hupeana var. laccifera, cây cơi hay cọ xôm, cọ ngón Pierocarya tonktnensis, muông đen Cassia siamea, đậu bạc đầu Desmodium cephairotes. Một số cây ăn quả như vải, nhãn, táo cũng có thể làm cây chủ cho cánh kiến nhưng chỉ nên dùng những cây kém quả. Cây chủ chọn rồi nhưng cũng còn chú ý tới tu bổ làm cho cây có nhiều cành non bánh tẻ nghĩa là không non quá cũng không già quá thì mới tốt.
Thả và thu hoạch cánh kiến:
Mỗi năm có 2 vụ cánh kiến:
- Vụ chiêm buộc giống vào tháng 8-10, thu hoạch vào tháng 4-5,
- Vụ mùa buộc, giống vào tháng 4-5, thu hoạch vào tháng 9-10.
Sau khi đã chọn được giống tốt (không có nấm mốc, sâu bọ làm hại), buộc vào cây chủ đã tu bổ và làm vệ sinh rồi: Đối với cây đậu thiều mỗi cây chỉ cần buộc một đoạn giống dài 5-10cm, nếu là cây chủ to thì buộc 2-3 đoạn giống, nếu giống không có cành hay thành từng đoạn ngắn quá khó buộc thì có thể cho vào sọt tre nhỏ hay túi lưới rồi mắc lên cây. Vì rệp son cánh kiến không đi được xa cho nên khi buộc cần chú ý không buộc xa cành non quá, đối với đậu thiều buộc cách mặt đất trên 50cm, đối với cây lớn, buộc vào chỗ phân nhánh để rệp son có thể bò sang nhiều cành, từ nơi buộc đến nơi định cư không quá 3m. Buộc giống vào sáng sớm. Nếu gặp ngày mưa tuyệt đối không buộc.
Sau 2 tháng trở đi, nếu cây chủ có nhiều cành lá rậm rạp thì phải tỉa bớt đi cho thoáng. Sau 5 tháng đối với vụ mùa và 6-7 tháng đối với vụ chiêm thì cánh kiến đỏ đã già, cần theo dõi để thu hoạch.
Nếu để làm giống thì sau khi kiểm tra sâu bệnh, chọn cành tốt buộc ngay lên cây chủ mới, nếu cần bảo quản ít ngày thì phải trải mỏng để nơi râm mát. Khi di chuyển giống cần đựng trong hòm gỗ có nhiếu khe hở hoặc sọt tre đan thưa. Khi tới nơi mà chưa buộc ngay thì phải mở ra để nơi râm mát. Tỷ lệ giữa giống và diện tích cây, cành có khả năng cho chúng phát triển là 1/30, ta có thể tính theo chiều dài, ví dụ nếu cộng chiều dài các cành và đoạn thân của cây có khả năng cho cánh kiến để phát triển khoảng 3m thì chỉ cần một đoạn giống dài 10cm. Đó là nói giống vụ chiêm để dành cho vụ mùa, nếu lấy giống vụ mùa để phát triển cho vụ chiêm thì chỉ dùng 1/2 hay 1/3 so với giống vụ mùa tức là chiều đài chỉ bằng 1/60 đến 1/90 chiều dài cành định nuôi, vì về mùa này cây ít nhựa không đủ thức ăn cho cánh kiến đỏ ăn, phẩm chất tổ nhựa sẽ xấu và nếu buộc nhiều giống, cây sẽ chết.
Nếu thu hoạch để chế biến, thì sau khi gỡ tổ bỏ cành cho vào sọt tre ngâm nước 2 ngày 2 đêm (ngâm nước chảy khe suối sông thì tốt hơn, ngâm nước đứng thường bị thối) cho chết sâu non và ung các trứng, xong đem trải phơi ở nơi râm mát và thoáng gió. Nếu phơi nắng to tổ nhựa sẽ bị chảy mềm và kết cục lại.
Tỷ lệ thu hoạch tuỳ theo cây chủ, cách chăm sóc và khí hậu từng nơi thay đổi từ 1 phần giống được 50 đến 80 phần cánh kiến, nhưng có nơi chỉ gấp 2-3 lần. Ví dụ ở Hà Nội có người thả chừng 300g giống vào tháng 10-1963 trên 2 cành da búp thổi (Ficus religiosa) thì tháng 10-1964 thu hoạch 13kg (gấp 40 lần). Tại Mai Châu có cụ thả 5kg giống trên cây vải thu hoạch gần 200kg (gấp 40 lần). Tuy nhiên cũng có trường hợp thất thu.
Theo số liệu cũ của Pháp hằng năm toàn miển Bắc sản xuất chừng 300 tấn cánh kiến đỏ, toàn Đông Dương (Việt Nam, Campuchia, Lào) sản lượng có năm (1922) lên tới 1.232 tấn cánh kiến đỏ chưa chế biến và 1,2 tấn đã chế biến, năm 1923 con số nhựa thu là 1.177,1 tấn và 5.800kg đã chế biến dạng vẩy và 23.500kg chế biến dạng hạt.
Thành phần hoá học
- Trong cánh kiến đỏ có chừng 75% chất nhựa,4-6% chất sáp, 5-6% chất màu, tạp chất khác (mảnh gỗ, xác rệp son) chừng 9%, độ ẩm chừng 3,5%. Thành phần của nhựa cánh kiến chủ yếu là những chất cao phân tử do lactit của axit shellolic C15K20O6 và axit alcuritic C16K32O5
- Chất sáp trong cánh kiến đỏ là este của các ancol tachardiaxerola C25H52O và lacxerola C32H66O và những axit lacxeric C32H64O2 và axit tachardiaxerinic C26H52O2
- Chất màu của cánh kiến đỏ còn gọi là lackdye gồm chủ yếu là các axit laccaìc C20H14O10 là một dẫn xuất của anthraquinon có màu đỏ, cấu tạo của axit cacminic do bọ rùa Coccus cacti và axit kermestic rệp son Coccus ilicis sản sinh ra.
Công dụng và liều dùng
- Cánh kiến đỏ là một vị thuốc tương đối ít dùng trong nhân dân.
- Tính vị theo đông y là vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, cầm máu, đậu chẩn. Sốt mà không có mồ hôi thì dùng phải thận trọng. Ngày dùng 46g.
- Nhân dân ta từ lâu dùng cánh kiến đỏ làm thuốc nhuộm răng đen và để gắn những cán dao hay lưỡi cày. Từ khi bỏ tục nhuộm răng, nhu cầu này giảm đi. Có nơi dùng cánh kiến đỏ làm thuốc nhuộm.
- Gần đây cánh kiến đỏ được dùng trong kỹ nghệ để chế biến shellac (rửa bỏ chất màu rồi đun chảy, lọc nóng, đổ thành những màng mỏng dính) dùng làm vật cách điện, chống tia ngoại tím, quét giấy chống ẩm, chịu axit, đĩa hát, đánh bóng đồ dùng như gỗ, tre, vải, da v.v…
- Ta có thể dùng cánh kiến đỏ để bao thuốc viên chống ẩm. Cồn gôm lắc 5% dùng chấm răng có thể đề phòng sâu răng.
Lương Thi Hương đã bình luận
Tôi muốn mua nhựa cánh kiến, bên anh chị có hàng không ạ
Lê Đào đã bình luận
Chào chị Hương. Hiện nay, bên em cung cấp trao đổi thông tin về dược liệu và không bán dược liệu ạ.