Hình ảnh Cao quy bản
Mô tả con rùa
- Con rùa là một con vật thường sống ở dưới nước, có 4 chân, đuôi ngắn, khi gặp nguy hiểm, có thể rụt cả đầu, chân và đuôi vào trong mu (lưng) và yếm (bụng) rùa.
- Mu rùa hay mai rùa cũng như yếm rùa là những vỏ rất cứng. Con rùa thường ăn cá con hoặc sâu bọ. Nhưng con rùa có thể nhịn ăn rất lâu mà không chết.
Phân bố, săn bắt và chế biến
- Trong nước ta, đâu cũng có rùa, nhưng nhiều nhất tại các tỉnh có nhiều ao hồ. Rùa còn có ở nhiều nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên v.v…
- Khi bắt được rùa, có khi người ta đập chết, bóc lấy yếm, cạo hết thịt, rửa sạch, phơi khô. Trên thị trường Trung Quốc, người ta gọi loại yếm rùa này là “huyết bản” còn nếu bắt được rùa, nấu chín rồi mới bóc lấy yếm, lọc bỏ hết gân thịt thì người ta gọi là “thang bản”.
- Có thể thu hoạch quy bản quanh năm, nhưng nhiều nhất vào các tháng 8-12. Muốn chế cao quy bản, người ta tiến hành như sau: Trước hết đem ngâm yếm rùa vào nước để gân thịt còn sót lại rữa ra rồi cạo cho tróc hết. Có khi đun chín để loại thịt cho dễ.
- Sau đó dùng nước rửa sạch cho đến hết mùi. Phơi khô, đập nhỏ, đun với nước, ba ngày ba đêm như nấu cao ban long. Lọc loại bỏ bã, nước lọc được đem cô đặc, đổ vào khuôn, để nguội cắt thành từng miếng to nhỏ tùy ý.
- Có khi người ta phối hợp quy bản với gạc nai, gạc hươu nấu cao gọi là ‘‘nhị tiên giao” Colla Carapacis Testudinis et Comus Cervi. Để nấu cao nhị tiên giao này, ngoài quy bản và gạc hươu nai, người ta còn thêm khởi tử, đảng sâm cùng nấu. Cách nấu cũng như trên.
Thành phần hóa học
- Theo Diệp Quyết Tuyền, trong quy bản có chất keo, chất béo và muối canxi. Hoạt chất khác, chưa rõ.
- Theo Thomas, thủy phân mai rùa được các axit amin sau đây glycocole 19,36%, alanin 2,95%, Ieuxin 3,6%, tyrosin 13,59%, xystin 5,19%, axit glutamic, histidin, lysin, acginin, tryptophan không có (Biochimie: 783).
Công dụng và liều dùng
- Quy bản và cao quy bản còn là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Theo kinh nghiệm đông y, quy bản là một vị thuốc bổ thận âm chữa ho lâu, di tinh, bạch đới, khí hư, chân tay, lưng gối đau nhức. Còn dùng chữa lỵ kinh niên, sốt rét lâu ngày, cơ thể suy nhược, băng huyết, các bệnh trước và sau khi sinh nở, trẻ con yếu xương.
- Về mặt kinh lạc, theo Mậu Hy Ung (một tác giả cổ) quy bản đi vào kinh túc thiếu âm, là thuốc bổ tâm kinh.
- Liều dùng: Ngày uống 12-24g quy bản dưới dạng thuốc sắc, thuốc viên hay thuốc bột.
- Cao quy bản: Ngày uống 10-15g, chia 3 lần uống.
- Theo tài liệu cổ quy bản có vị ngọt, mặn, tính hàn, vào 4 kinh thận, tâm, can và tỳ. Có tác dụng bổ tâm thận, tư âm, dùng chữa thận âm không đù, trong xương đau nhức, di tinh, đới hạ, băng lậu, lưng gối đau yếu, lỵ lâu ngày. Những người âm hư không nhiệt không dùng được.
Đơn thuốc có quy bản
- Đơn thuốc bổ chữa bệnh ho lâu ngày: Quy bản sao cát cho dòn, tán nhỏ 100g, đảng sâm 100g sao thơm tán nhỏ. Hai vị trộn đều, ngày uống 3 lần mỗi lần 1-2g.
- Đơn thuốc chữa sốt rét lâu ngày: Quy bản 200g, sao vàng dòn tán nhỏ, hùng hoàng (AS2S2) 50g tán nhỏ, hà thủ ô 200g. Trộn đều thêm mật ong làm thành viên 0,30g. Ngày uống 5-10g chia 3 lần uống trong ngày.
Sơn đã bình luận
Mình có bán Cao quy ban ko shop ơi? Thanks
Lê Đào đã bình luận
Chào bạn! Cảm ơn bạn đã quan tâm đến Tra cứu dược liệu. Thật tiếc quá, hiện tại bên mình không cung cấp dược liệu Cao quy bản. Bạn vui lòng để lại số điện thoại, khi có thêm thông tin mình sẽ liên hệ lại đến bạn. Cảm ơn bạn!