Mô tả
Chim có kích thước nhỏ, thân hình thoi, gọn, nặng 110 – 130g. Đầu tròn, có 3 vệt dọc dài, màu nâu đỏ. Mỏ ngắn hơi cong, màu xám hoặc vàng ngà. Mắt màu nâu. Đuôi rất ngắn. Ngực và lưng có lông bóng mượt màu nâu đất xen kẽ những vệt sáng đốm đen ở đầu. Bụng màu trắng vàng ở con đực, màu trắng đục ở con cái. Chân thấp màu xám hoặc vàng ngà.
Phân bố, sinh thái
- Chim cút là loài chim di cư, có nhiều ở Việt Nam vào mùa đông, thường gặp trên các đồng cỏ vùng trung du và đồng bằng. Chim cút cái có trọng lượng cơ thể lớn hơn chim đực và bắt đầu đẻ ở 35 – 45 ngày tuổi. Mỗi năm, chim đẻ 300 – 350 trứng, cá biệt có con đẻ đến 400 trứng. Trứng có trọng lượng 10 – 15 g có màu trắng đục, lốm đốm đen, ấp được 15 – 17 ngày thì nở.
- Chim cút đã được thuần hóa rất sớm ở Ả Rập và Nhật Bản. Sau được nuôi phổ biến ở châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Những năm gần đây, ở Việt Nam, nhân dân cũng nuôi chim cút để lấy thịt và trứng làm thực phẩm và làm thuốc. Thường nuôi trong lồng xếp thành nhiều tầng, có sàn kín dốc về phía trước 2,5% và đua ra 15 cm, mép ngoài bẻ cong cao khoảng 3 cm để đỡ trứng khỏi lăn ra ngoài khi cút đẻ. Phía trước lồng, cần tạo các khe hở 3 – 3,5 cm để chim thò đầu ra mổ thức ăn. Thức ăn của chim cút gồm ngô, cám, tấm gạo, đậu tương, bột cá, khô lạc, vitamin và chất khoáng calci, phosphor trộn lẫn với nhau và chất tươi có rau, củ, quả non. Chim cút nuôi rất chóng lớn, khoảng 6 – 7 tuần tuổi có thể đạt 120g.
Bộ phận dùng
Chim cút được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thuần điếu gồm thịt chim và trứng chim.
Thành phần hóa học
Thịt chim cút chứa protid, lipid và muối khoáng. Trứng chim cút có nhiều chất lecithin hơn các loại trứng khác.
Tính vị, công năng
Chim cút có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, mạnh gân xương, trừ phiền nhiệt, cầm tả lỵ. Trứng chim có vị ngọt, mặn, tính bình, có tác dụng bổ trung, ích khí.
Công dụng
- Thịt chim cút: Chim cút (1 con), làm thịt, bỏ ruột, rửa sạch, chặt miếng, nấu với gạo thành cháo (có thể thêm nhộng tằm), ăn hàng ngày là thuốc bổ cho trẻ em chữa cam tích, suy nhược, biếng ăn; cho người cao tuổi cơ thể yếu mệt, ăn không thấy ngon. Thịt chim cút ninh nhừ với hạt đậu ván trắng và gừng tươi chữa kiết lỵ, với ít đường và rượu lại có tác dụng nhuận phế, bổ khí, thông huyết, chữa viêm phế quản mạn tính.
- Theo tài liệu nước ngoài, thịt chim cút (1 con) phối hợp với hoài Sơn (30 g), đảng sâm (15 g), hầm nhừ, ăn cả cái lẫn nước để chữa kém ăn, tỳ vị hư, với câu kỷ tử (30 g), đỗ trọng (10 g) trị đau lưng do thận hư, với bạch cập (10 g) trị ho ra máu.
- Trứng chim cút: Hàng ngày, có thể cho trẻ ăn 2 – 3 trứng chim luộc hoặc quấy với bột để chữa suy dinh dưỡng. Phụ nữ ăn trứng chim cút luộc, ninh nhừ với ích mẫu (30 – 40 g), để tăng cường khí huyết, điều hòa kinh nguyệt. Trứng chim cút (2 quả) nấu chín với chuối tây xanh cắt miếng (10 g) ăn trong ngày, chữa táo bón, cao huyết áp.
- Theo tài liệu nước ngoài, trứng chim cút (5 quả) luộc, bỏ vỏ, nấu với bột đỗ trọng (10 g) và nước dùng gà (200 ml), thêm hành, gừng, muối và gia vị khác thành món ăn – vị thuốc bổ gan thận và hạ huyết áp, với mộc nhĩ trắng (15 g) để tăng cường khí huyết, mát da thịt; với ích mẫu (30 g) lại điều hòa kinh nguyệt.