
Mô tả
- Cây nhỏ hay cây nhỡ, dạng bụi. Cành màu xám, có lỗ bi nhỏ.
- Lá mọc so le, nhẵn, dài 5-7 cm, gốc thuôn, đầu tròn, mép nguyên; cuống rất ngắn.
- Hoa mọc ở kẽ lá, màu hồng; dài có 5 răng nhọn; tràng 5 cánh có móng hẹp dài; nhị 10.
- Quả hạch, hình cầu hơi dẹt, đường kính 1-2 cm, có 3 rãnh nông chia quả thành 3 phần bằng nhau, khi chín có màu đỏ sẫm bóng, thịt quả dày mềm nhiều nước, có vị ngọt thơm hơi chua, nhân có 3 rãnh.
Bộ phận dùng
Quả thu hái khi chín đỏ, dùng tươi.
Phân bố, sinh thái
Sê ri có nguồn gốc ở vùng Trung Mỹ – Caribê đến Hoa Kỳ. Ở đây, cây đã được trồng từ lâu đời. Hiện nay, sê ri còn được thấy phổ biến ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới Nam Mỹ, Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Ở Việt Nam, sê ri chỉ thấy trồng ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Đó là loài cây nhiệt đới, ưa sáng, chịu hạn tốt, thích hợp với khí hậu nóng và ẩm, có nhiệt độ trung bình năm từ 20 đến 28°C.
Ở châu Mỹ, cây được trồng ở vùng núi cao hay nơi có khí hậu cận nhiệt đới, và còn có khả năng chịu lạnh tốt (khoảng -2°C). Tuy nhiên, ở thời kỳ cây non này mầm, sương mù và nhiệt độ thấp sẽ làm cho sê ri bị chết. Cây trồng bằng hạt sau 3 – 4 năm bắt đầu cho nhiều quả. Thời gian thu hoạch kéo dài đến 15 năm. Hoa sê ri tự thụ phấn hoặc thụ phấn nhờ côn trùng (ong mật). Cây có khả năng tái sinh cây chồi khoẻ sau khi bị chặt lớn. Sê ri ưa ở các tỉnh phía nam Việt Nam suốt năm trưởng, phát triển tốt trên nhiều loại đất. Đất trồng thích hợp cần thoát nước, pH từ trung tính đến hơi chua (5,5). Trồng bằng hạt, cành chiết hay giâm cành.
Các nước vùng Trung Mỹ và Caribê trồng nhiều sê ri, đặc biệt là Puerto Rico. Quả sê ri thường được chế biến dưới dạng mứt quả hay nước ép, đóng hộp xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ.
Thành phần hóa học
Thịt quả sê ri chiếm khoảng một nửa trọng lượng quả. Trong 100g thịt quả, có nước 82 – 91g, protein 0,7 – 1,8g, chất mỡ 0,1 – 0,2g, carbohydrate 7 – 14g, chất xơ 0,6 – 1,2g, vitamin C 4,7g (Proscea P. 1992).
Theo Cavalcante Maria Lucia, 1992, quả sê ri có 3 carotenoid là α-caroten, β-caroten và β-cryptoxanthin, với hàm lượng cao (CA 117, 2326/10³m).
Các vitamin khác là vitamin A 4300 – 12.500 đơn vị quốc tế vitamin A/100g, thiamin, riboflavin và niacin (Albert Y Leung và cs, 1996).
Theo Kuni Yoshi Shinetu và cs, 1992, hàm lượng glucose trong quả là 1,7%, fructose 2,0%, acid malic 0,97%, acid dehydroascorbic 1,3%.
Vỏ thân chứa tanin 20 – 25% dùng trong công nghệ thuộc da.
Công dụng
Quả sê ri tươi chứa lượng vitamin C cao, vừa là món ăn bổ, vừa là vị thuốc tốt. Ở Ấn Độ, nước uống chế từ quả sê ri được dùng trị viêm họng, kiết lỵ, tiêu chảy và rối loạn chức năng gan. Có người ăn thường xuyên quả sê ri để chữa chứng tăng cholesterol máu.
Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam