Mục lục
Mô tả
- Cây thảo, sống hàng năm, cao 20 – 30 cm. Thân mềm phân nhánh, có cạnh, có khía.
- Lá mọc so le, gốc có phiến men theo cuống. Ôm thân, đầu tròn, nguyên hoặc hơi khía răng, hai mặt có lông mềm, lá ở gốc thuôn hẹp, lá ở phía trên hình mác.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành đầu màu vàng hoặc vàng da cam, đường kính 3 – 5 cm, hoa đơn hoặc kép, phía ngoài là hoa hình lưỡi xếp thành nhiều vòng, ở giữa lá hoa hình ống, có tràng hoa 5 cánh, 5 nhị, bao phấn đính xung quanh nhị, hoa hình lưỡi không có nhị, ở hoa kép đôi khi chỉ có toàn hoa hình lưỡi.
- Quả bế, cong và có lông dày ở lưng.
- Mùa hoa quả: tháng 6 – 10
Phân bố, sinh thái
Chi Calendula L., có khoảng 25 loài trên thế giới, phân bố chủ yếu ở vùng Nam Âu, Bắc Phi và Tây Á. Chi này ở Việt Nam chỉ có một loài là cây cúc kim tiền.
Cúc kim tiền có nguồn gốc ở vùng Ðịa Trung Hải và mọc hoang dại ở Punjab và Sind của Ấn Độ. Hiện nay, cây được trồng làm cảnh ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Theo dự đoán, cúc kim tiền được nhập trồng vào nước ta khoảng hơn 100 năm nay. Là cây ôn đới, cúc kim tiền ưa khí hậu ẩm mát, chỉ trồng được vào vụ đông – xuân ở một số tỉnh phía bắc và Đà Lạt. Cây ra hoa quả nhiều, hạt chắc và là nguồn gieo giống hàng năm.
Bộ phận dùng
Thân, lá và hoa,
Thành phần hóa học
- Cụm hoa cúc kim tiền chứa carotenoid gồm caroten 30mg%, lycopen và các dẫn chất có oxy như violaxanthin citroxanthin, rubixanthin, flavoxanthin Ngoài ra, còn có tinh dầu 0,02%, chất nhựa 3%, chất nhày 4%, acid salicylic, các triterpen arnidiol, faradiol, taraxasterol, amyrin, một chất đắng là calendin và các flavonid gồm các heterosid của isorhamnetol.
- Phần trên mặt đất chứa 6 saponin. Các chất này khi thủy phân cho acid oleanolic và acid glycuronic
- Hạt chứa dầu béo bao gồm các glycerid của acid lauric và acid palmitic.
Tác dụng dược lý
Trong một nghiên cứu sàng lọc có hệ thống ở Ấn Độ. cao khô chiết bằng cồn 50° của cúc kim tiền được thử một số tác dụng dược lý (1968) với kết quả như sau:
- Tác dụng kháng khuẩn: Dùng phương pháp hệ nồng độ thử trên các loại vi khuẩn Bacillus subtilis, Salmonella typhi, Staphylococcus aureus, Escherichia coli. Agrobacterium tumefaciens, Mycobacterium tuberculosus. Đã dùng đến nồng độ 25 ug/ml. chưa thấy có tác dụng.
- Tác dụng kháng nấm: Dùng phương pháp hệ nồng đồ thử trên 5 loại nấm Candida albicans, Cryptococcus neoformans, Trichophyton mentagrophytes, Microsporum canis và Aspergillus niger. Nuôi nấm trong môi trường, cho vào đó dịch nuôi có cao khô cúc kim tiền với các nồng độ khác nhau. Để 24 giờ, 48 giờ hoặc 96 giờ tùy loại nấm. Kết quả đã dùng đến nồng độ 25 ug/ml chưa thấy có tác dụng.
- Tác dụng trên ký sinh trùng amip Entamoeba histolytica chủng STA: Trước hết thử invitro thấy cao khô cúc kim tiền với nồng độ 125 ug/ml có tác dụng diệt ký sinh trùng. Thử nghiệm invivo được tiến hành trên chuột cống trắng mới thôi bú (3 tuần tuổi, 18 – 20g). Kết quả cho thấy cao khô cúc kim tiền với liều 300 mg/kg có tác dụng trên ký sinh trùng amip.
- Tác dụng trên virus: Chưa thấy cao khô cúc kim tiền có tác dụng trên virus bệnh Ranikhét và virus bệnh đậu bò.
- Tác dụng hạ đường huyết: Với liều 250 mg/kg, cao khô cúc kim tiền không làm hạ đường huyết ở chuột cống trắng.
- Tác dụng trên hô hấp và huyết áp: Với liều 50 mg/kg, cao khô cúc kim tiền không có ảnh hưởng trên tần số và biên độ hô hấp, cũng như trên huyết áp của chó gây mê bằng natri pentobarbiton (30 mg/kg, v…v)
- Tác dụng trên hồi tràng chuột lang cô lập: Cúc kim tiền có tác dụng ức chế sự co bóp do các chất làm tăng co bóp hồi tràng cô lập trong dung dịch Tyrode có sục không khí.
- Tác dụng trên hệ thần kinh trung ương: Cao khô cúc kim tiền không có ảnh hưởng đến hoạt động tự nhiên, trương lực cơ, tư thế và dáng đi và những biểu hiện bên ngoài của chuột nhất trắng. Thuốc cũng không ảnh hưởng đến thân nhiệt và đến co giật do kích thích điện ở chuột nhắt.
- Tác dụng trên tế bào ung thư: Cao khô cúc kim tiền không có tác dụng trên tế bào ung thư biểu mô mũi hầu ở người nuôi cấy invitro, không có tác dụng trên tế bào carcinosarcom Walker 256 tiêm bắp thịt ở chuột cống trắng, bệnh bạch cầu dòng lympho l: 1210 ở chuột nhắt trắng và ung thư phổi Lewis ở chuột nhắt trắng.
- Thử độc tính cấp sơ bộ: Đã xác định được LD50 của cao khô cúc kim tiền tiêm trong màng bụng chuột nhắt trắng là 300 mg/kg.
- Tác dụng chống viêm: Theo tài liệu ở Đức, dịch chiết cúc kim tiền có tác dụng chống viêm rõ rệt trên mô hình gây viêm tai chuột bằng dầu ba đậu.
Tính vị, công năng
Cúc kim tiền có vị nhạt, tính bình, hoa có tác dụng lương huyết, chỉ huyết, rễ có tác dụng hành khí, hoạt huyết.
Công dụng
Cúc kim tiền làm tăng tiết mật, lợi tiểu, làm ra mồ hôi, điều hòa kinh nguyệt. Trung Quốc còn dùng chữa viêm loét dạ dày, tiêu chảy ra máu. Trong y học dân gian Bungari, cúc kim tiền được dùng trong nhiều bài thuốc, chữa các loại bệnh khác nhau như cảm cúm, vàng da, viêm dạ dày, viêm ruột, loét dạ dày tá tràng, tiêu chảy ra máu, viêm phổi, viêm họng, viên tai, viêm lợi, viêm miệng, viêm áp xe vú, viêm loét âm đạo; kinh nguyệt không đều, thống “kinh, kinh quá nhiều, vô kinh, phình giãn tĩnh mạch, trĩ, đau khớp, đau cơ, sai khớp, bong gân, ung thư dạ dày ruột, u xơ tử cung.
Dùng ngoài, chữa vết thương thâm tím, đụng giập, vết thương lâu lành, lở loét ngoài da, eczema, mẩn ngứa, bỏng, mụn trứng cá, mụn cóc, côn trùng đốt Liều dùng 5 – 10g đến 30 – 40g, sắc uống hoặc hãm uống. Dùng ngoài không kể liều lượng.
Bài thuốc có cúc kim tiền:
- Chữa cảm cúm, sốt, làm ra mồ hôi, lợi tiểu: Hoa cúc kim tiền 30 – 40g, hãm với 1 lít nước sôi trong 10 – 15 phút, uống thay chè trong ngày.
- Chữa vết thương đụng giập, lở loét, mẩn ngứa: Hoa cúc kim tiền, sắc lấy nước, rửa nhiều lần.
- Chữa mụn cơm trứng cá: Lá cúc kim tiền giã nát hoặc ép lấy dịch bôi.
*Nguồn: Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.