Mô tả cây
- Cây mọc đơn độc, thân trụ thẳng đứng, thân nhẵn, có nhiều vết sẹo do bẹ lá rụng. Lá to, dạng lông chim, mọc tập trung ở đầu thân. Bẹ ngắn, dày, lá chét xếp hai dãy đều đặn, mềm, màu lục bóng, dạng thuôn đều. Cụm hoa ở trên các bẹ lá. Hoa đực ở trên, hoa cái ở dưới mọc trên cùng một bông mo.
- Hoa đực có 6 mảnh bao hoa xếp thành hai vòng, trong có 6 nhị. Hoa cái có bao hoa giống ở hoa đực, 3 lá noãn dính nhau, nhẵn. Quả hạch có vỏ quả ngoài màu lục bóng nhẵn, vỏ quả giữa có nhiều sợi và vỏ quả trong cứng rắn, với 3 lỗ ở phía gốc. Hạt có nội nhũ lỏng khi còn non, sau già thì đặc lại dần ở phía ngoài làm thành cùi màu trắng.
Phân bố, thu hái và chế biến
- Cây dừa được trồng từ lâu đời do có nhiều công dụng. Thường trồng ở các nước nhiệt đới, gần biển. Những nước sản xuất nhiều dừa nhất trên thế giới hiện nay phải kể Philipins, Indonexia, Malaysia, Xrilanca, miền Nam Việt Nam, Braxin, Mehico, tây châu Phi. Tại Việt Nam, dừa mọc nhiều nhất ở miền Nam, khoảng 18.000ha (1928) ở Mỹ Tho, Bến Tre, Vĩnh Long, Sa Đéc, Long Xuyên, Sóc Trăng, Hà Tiên, Trung Bộ cũ có khoảng 7.000-8000ha, nhiều nhất ở Bình Định, Phan Rang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh. Tại miền Bắc, vì mùa rét quá lạnh nên cây mọc kém, chỉ có một ít ở Thanh Hóa.
- Người ta trồng dừa bằng quả, chọn quả tốt, để mọc mầm nơi ẩm mát. Khi mọc mầm rồi thì trồng tạm. Thường ươm suốt năm, nhưng tốt nhất vào tháng 4. Trồng tạm một năm trước khi đánh trồng vào nơi cố định. Trồng mỗi cây cách nhau 8-10m (100-156 cây/ha).
- Phải 6 năm (đất tốt) đến 12 năm trở lên mới có quả. Đến chừng 50 năm hiệu suất bắt đầu giảm, có khi cho quả tới 75-100 tuổi. Ở miền Nam, một năm thu 4 lần quả. ở miền Trung, thu quả gần như quanh năm. Nhưng đúng mùa là các tháng 6-10. Quả từ lúc xuất hiện đến khi già là 6 tháng. Mỗi cây cho 25-35 quả. Tốt có thể cho 50-80 quả.
- Quả dừa to bằng đầu người, nặng l,7-2kg. Người ta dùng phần nội nhũ trắng gọi là cùi dừa.
- Hàng năm thế giới sản xuất khoảng hơn 2 triệu tấn cùi dừa khô để dùng làm nguyên liệu ép dầu dừa. Từ cùi dừa khô người ta ép được 60% dầu dừa. Riêng Pháp một nước không có dừa nhưng mỗi năm phải nhập hơn 60.000 tấn cùi dừa.
Thành phần hóa học
- Nước dừa chứa 1 đến 2% ose và polyol (socbitol), các axit hữu cơ (axil malic) và rất nhiều axit amin.
- Người ta đã phát hiện thấy trong nước dừa có nhiều chất có tác dụng kích thích sự phát triển các tế bào dùng trong nuôi cấy các tổ chức cây thượng đẳng. Một trong những chất ấy đã được xác định là diphenyl 1-3urê.
- Cùi dừa khô chứa khoảng 4% nước, 20% glucid, 8% protid và 65% chất béo gồm chất béo gồm chủ yếu là glyxerid của những axit lauric (50% laurIn), myristic 16%, caprylic và capric.
- Dầu dừa lỏng ở nhiệt độ 25-27°C, nhưng ở nhiệt độ thấp là một chất đặc trắng, gần như không mùi, vị nhạt. So sánh người ta thấy thành phần gần giống thành phần của bơ sữa bò do tỷ lệ axit béo tan trong nước và axit béo bốc hơi được và không tan trong nước. Ngoài ra còn có axit cocxinic có thể xác định dưới dạng cocxinat etyl có mùi đặc biệt. Dầu dừa chảy 22°C, tỷ trọng ở 15°C 0,9210, chỉ số iod 8,9, chỉ số xà phòng hóa 258-268.
- Gáo dừa (vỏ trong của quả) chứa 0,6% tro, 36,5% lignin, 53% xenlulose, 29,2% pentozan (theo Child và Rama nathan, 1938).
Công dụng và liều dùng
- Các sách đông y có ghi: Dừa “chủ yếu là tiêu khát, chữa thổ huyết, phù thũng, trừ phong nhiệt”
- Sách Trung Quốc dược thực đồ giám có ghi: “Dừa có tác dụng “tư bổ, thanh thử, giải khát” và tiêu cam (bệnh trẻ con bụng ỏng da vàng), tẩy giun sán, kết hợp với mật để chữa chứng gầy yếu xanh xao ở trẻ nhỏ”. Theo nghiên cứu của đông y, dừa vị ngọt, tính bình, sinh tân, lợi niệu, sát trùng. Trái dừa có thể dùng chữa trị các chứng bệnh viêm nhiệt, háo khát, tân dịch, bị tổn thương, miệng nôn trôn tháo, phù nề, tiểu tiện ít, bệnh về ký sinh trùng đường ruột, bị lở loét, viêm da…
Nước dừa uống mỗi ngày 3 lần; thích dụng với người bị chứng viêm nhiệt, háo khát, tổn thương tân dịch (các chất dịch dinh dưỡng trong cơ thể), mồ hôi ra nhiều, bị phù thũng, nước tiểu ít và đỏ.
Nước dừa 1 ly, cho thêm ít đường, mấy hạt muối ăn, khuấy đều rồi uống, có tác dụng ích khí sinh tân; thích dụng với những người vừa bị xuất huyết nhiều hoặc miệng nôn trôn tháo, suy yếu, ẻo lả, mệt mỏi rã rời.
Dừa 1 quả, vừa uống nước, vừa ăn cùi. Mỗi ngày ăn, uống vào lúc sáng sớm khi bụng còn đói, sau ba giờ lại ăn tiếp, sẽ có tác dụng sát trùng đường ruột; thích dụng với những người bị bệnh sán lát gừng, sán dây.
Cùi dừa nửa đến 1 quả, hàng ngày ăn vào buổi sáng và tối, có tác dụng nhuận tràng; thích dụng với những người bị bệnh táo bón, bí đại tiện.
Cùi dừa nửa quả nạo thành miếng nhỏ, cho vào nấu cháo với ít gạo nếp, ngày ăn 2 lần, có tác dụng kiện tỳ khai vị; thích dụng với những người bị ốm lâu ngày mới khỏi, cơ thể còn suy nhược, ăn uống kém.
Dầu dừa (là loại dầu được ép từ cùi dừa): dùng bôi ngoài da, có thể chữa trị được các bệnh ghẻ lở, bệnh nấm, bệnh nẻ…
30g vỏ quả dừa, sắc lấy nước uống, ngày 2 lần, có tác dụng hoạt huyết hết đau; thích dụng với những người bị trúng phong, bị đau tim, đau khớp.
- Trong công nghiệp dầu dừa tinh chế dùng chế xà phòng (xà phòng hóa bằng kali hydroxyd) mềm và xà phòng lỏng do tác dụng gây bọt rất mạnh, nếu hydrogen hóa, ta sẽ được những tá dược dùng chế thuốc đạn (glyxerid bán tổng hợp).
- Trong thực phẩm dầu dừa trung tính, tinh chế và khử mùi được dùng làm thực phẩm ở một sô nước châu Âu dưới tên vegetalin hay cocose là một loại mỡ rất dể tiêu.
- Trong công nghiệp xà phòng. Những hợp chất sunfon của dầu dừa là những chất gây bọt rất thông dụng.
- Ngoài ra đọt dừa non là một loại rau thường dùng ở những nơi trồng dừa, nước dừa cho lên men cho một thứ rượu rất đặc biệt, thân dùng làm cột, xơ vỏ quả (vỏ quả giữa) dùng bện thừng, chạc, đan thảm, gáo dừa làm đồ đựng, làm gáo, đốt lên cho một thứ than rất nhẹ và có tác dụng hấp thụ rất mạnh. Khô dầu dừa dùng làm thức ăn cho gia súc. Lá dừa dùng lợp nhà, đan phên.