Đặc điểm của loài này là có thể sống dưới dạng cây hằng năm hoặc cây lâu năm, tùy thuộc vào điều kiện khí hậu và nơi trồng. Đặc biệt, Hoa mặt trời được đánh giá cao trong việc cải thiện độ phì nhiêu của đất, nhất là ở những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Đây là một loài cây không chỉ đẹp mà còn hữu ích cho nông nghiệp và môi trường.
Mô tả
- Cây bụi, sống hằng năm, cao 2 – 5m. Thân có lông cứng áp sát, phân cành nhiều.
- Lá mọc sole chia thùy không đều, gốc thuôn, đầu nhọn, mép khía răng, cuống lá dài 1 – 2 cm.
- Cụm hoa mọc ở đầu ngọn trên một cuống dài thành đầu to, lá bắc xếp thành hàng cao 2 cm; hoa ở vòng ngoài hình môi màu vàng tươi, cánh hoa thuôn, xẻ hai thu nhỏ ở đầu, hoa ở giữa hình ống, ở giữa hoa có những vảy ngắn.
- Quả bể có 2 răng.
- Mùa hoa quả: tháng 12-2.
Phân bố, sinh thái
Hoa mặt trời (Tithonia diversifolia) có nguồn gốc từ Mexico, sau đó được trồng rộng rãi tại Trung và Nam Mỹ, cũng như lan sang miền bắc Hoa Kỳ. Loài cây này được đưa đến châu Phi và châu Á ban đầu để làm cây cảnh, nhưng sau đó trở thành một loài cỏ dại xâm lấn, mọc phổ biến ở nhiều nơi.
Hoa mặt trời thường xuất hiện nhiều dọc theo các con sông và ven đường. Ở châu Á và Mỹ Latin, loài cây này còn được gọi với nhiều tên khác nhau như kembang bulan (Indonesia, Java), jalacate (Tây Ban Nha), buatong (Thái Lan), và dã quỳ (Việt Nam).
Cây được nhập vào Việt Nam không rõ từ bao giờ và hiện nay đã trở nên hoang dại hóa ở khắp các tỉnh từ Lai Châu, Điện Biên, Cao Bằng đến Tây Nguyên và các tỉnh ở Tây Nam Bộ.
Loài cây này có khả năng chịu hạn vừa phải, nhưng để phát triển tốt, Hoa mặt trời cần khu vực có khí hậu ẩm hoặc bán ẩm.
Hoa mặt trời là cây đặc biệt ưa sáng, có biên độ sinh thái rộng và có khả năng chịu hạn cũng như chịu lạnh về mùa đông (ở Lai Châu, Cao Bằng). Cây sinh trưởng mạnh trong mùa mưa ẩm, ra hoa nhiều vào mùa thu, khả năng tái sinh từ hạt tốt, và còn có thể trồng được bằng cành.
Tại các vùng cận nhiệt đới ở châu Phi, lượng mưa tự nhiên không phải lúc nào cũng đủ để cây sinh trưởng mạnh, và chưa có bằng chứng nào cho thấy loài này có thể trồng thành công ở điều kiện sa mạc.
Bộ phận dùng
Lá.
Thành phần hóa học
Lá chứa tinh dầu trong đó các hợp chất monoterpen chiếm 88,2% bao gồm (Z) β – ocimen 40,2%. Có tài liệu cho biết tinh dầu chứa α – pinen 50.8 – 61,0%, (Z) β – ocimen 15,5 – 21,4%, limonene 5,4 – 6,4% và p.mentha – 1,5 – dien – 8 – ol 3,9 – 6,1%. Tinh dầu phần trên mặt đất chứa 9 sesquiterpen lacton (I den IX).
Hoa mặt trời còn có tirotundin, các lagilimin A, C và E (Compendium of Indian Medicinal Planto, 1970 – 1979 vol 2, 1999 và vol 5 (1990 – 1994), 1998.
Tác dụng dược lý
Tác dụng vi sinh vật:
Các sesquiterpen lacton chính của cây hoa mặt trời là diversifolin, diversifolin methyl ether và tirotundin có hoạt tính ức chế viêm là do sự alkyl hoá các cặn bã cystein, các cặn bã này có trong phạm vi của sự gắn kết với ADN của yếu tố phiên mã NF – kB. Diversifolin còn có tác dụng kháng khuẩn ở mức độ vừa đối với Bacillus subtilis.
Cao chiết với ether từ các phần trên mặt đất của cây hoa mặt trời thể hiện hoạt tính kháng Plasmodium tốt (IC50 trên chủng Plasmodium falciparum nhạy cảm với cloroquin (FCA): 0,75microg/ml).
Tác dụng tế bào ung thư:
Sự chiết phân đoạn định hướng bởi hoạt tính sinh học của một cao chiết với ethyl acetate từ các phần trên mặt đất của cây hoa mặt trời với việc dùng thử nghiệm sinh học chống tăng sinh thực hiện trên các tế bào ung thư đại trang của người (Co12) và sự biệt hóa các tế bào ở các tế bào bệnh bạch cầu tiền tủy bào của người (HL – 60). Các hợp chất chọn lọc được thử nghiệm về khả năng ức chế các tổn thương trước khi phát triển khối u gây bởi 7, 12 – dimethylbenz (a) anthracen trong thử nghiệm nuôi cấy cơ quan vũ chuột nhắt trắng. Trong các hợp chất phân lập này, tagitinin C và 1 – β, 2 – α – epoxytagitinin C thể hiện hoạt tính chống tăng sinh có ý nghĩa.
Công dụng
Trong y học dân gian, lá của cây hoa mặt trời được dùng sát vào da trị ghẻ.
- Trong y học cổ truyền Daia (châu Phi), phụ nữ dùng nước ngầm lá cây hoa mặt trời để gây sẩy thai, cách dùng là uống một cốc nước ngầm lá này và thụt với một cốc nước ngầm lá khác.
- Ở Trung Mỹ, cao chiết lá cây hoa mặt trời được dùng ngoài chữa khối tụ máu và vết thương. Cây hoa mặt trời còn được dùng trong y học cổ truyền ở Sao Tome & Principe để trị sốt rét.
Bên cạnh đó, loài cây này còn được sử dụng để chữa các bệnh như tiểu đường, tiêu chảy, đau bụng kinh, sốt rét, các vết bầm máu, viêm gan, u gan, và hỗ trợ làm lành vết thương. Những ứng dụng này không chỉ cho thấy giá trị y học của cây mà còn minh chứng cho sự đa dạng trong cách sử dụng của loài hoa này trong cuộc sống hàng ngày (1).