Mục lục
Mô tả
- Cây to, cao 20 – 25m, tán lá rộng. Thân có vỏ màu đen, chấm trắng, phủ lông sát ngắn, màu hung, thường nứt dọc và bong từng mảng. Gốc có bạnh vè. Cành non có lông màu vàng xỉn.
- Lá kép lông chim, 7 – 20 đôi lá chét mọc so le, đôi khi gần đối, hình thuôn mũi mác, dài 10 – 12 cm, rộng 5 – 6 cm, gốc lệch, đầu thuôn nhọn; lá non màu hồng đỏ; cuống lá dài 30 – 50 cm.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thân thành thùy thẳng đứng, thưa, có lông, ngắn hơn lá, dài 20 cm, lá bắc thuôn, sớm rụng, hoa lưỡng tính màu vàng nhạt, có cuống ngắn, đài hình sao, 5 răng ngắn, có lông ở mặt ngoài; tràng 5 cánh có thuôn dài, mép uốn cong, mặt ngoài hơi có lông, mặt trong nhăn; nhị 10, hơi ngắn hơn cánh hoa, gốc hơi phình, bao phấn nhẵn; bầu thuôn dài, có lông, thắt lại ở đầu, 3 ô, mỗi ô có 20 – 40 noãn.
- Quả nang, hình trứng, dài 4 – 4,5 cm, rộng 3,5 – 4 cm, hơi có mũi nhọn ở đầu, nhẵn; hạt nhiều, nhỏ, dẹt, có cánh mỏng ở đầu.
- Mùa hoa quả: tháng 7 – 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Chukrasia A. Juss. chỉ có một loài lát hoa Việt Nam. Căn cứ vào hình thái lá, quả… các nhà thực vật học đã chia loài này thành 4 thứ (Varietas) và chỉ thấy ở các tỉnh phía Nam (Trần Đình Đại, 2003).
Lát hoa phân bố tự nhiên ở một số tỉnh miền núi phía Bắc như: Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Hoà Bình, Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An… Cây còn được trồng ở khắp các địa phương.
Trên thế giới, lát hoa có ở Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Lát hoa là loại cây gỗ to, khi còn nhỏ là cây chịu bóng, lớn lên ưa sáng. Cây vốn mọc tự nhiên những vùng rừng núi đá vôi hoặc rừng trên núi đất lẫn đá; thường mọc lẫn với những cây gỗ lớn các họ Meliaceae, Anacardiaceae Lauraceae, Fabaceae… Độ cao phân bố không vượt quá 1.000m. Cây trưởng thành có thể ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên từ hạt nhưng tỷ lệ nảy mầm thấp hơn nhiều trong trồng trọt (Vu Van Dung, et al., 1997).
Lát hoa là cây cho gỗ quý, lõi gỗ màu nâu nhạt, có nhiều vấn đẹp, dùng để đóng đồ gỗ cao cấp. Do bị khai thác kiệt quệ trong tự nhiên, cây đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam (1996) để bảo vệ. Tuy nhiên, đây là loài cây gỗ dễ trồng, mọc nhanh; sau khoảng 40 năm, có thể đạt đến đường kính thân 50 – 60 cm.
Bộ phận dùng
Vỏ.
Thành phần hóa học
- Lá và vỏ chứa 22 và 15% tanin (The wealth of India, 1952). Ngoài ra còn chứa một chất keo tan trong nước có màu đỏ, thường được sử dụng để trộn với một số loại gum khác của Ấn Độ.
- Theo Phạm Hoàng Hộ (2006), lát hoa còn chứa tinh dầu.
Tác dụng dược lý
Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm:
Dùng lá cây lát hoa chiết bằng các dung môi khác nhau như ether dầu hỏa, benzen, cloroform, ethylacetat và methanol, sau đó, cô chân không để thu được các cao tương ứng. Các cao này được thử tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm. Kết quả cho thấy, cao chiết bằng ethylacetat và cao chiết bằng methanol có hiệu quả nhất trên hầu hết các vi sinh vật thử nghiệm (Nagalakshmi et al., 2001), [Fitoterapia, vol. 72, No. 1: 62 – 64].
Độc tính cấp:
Cao khô vỏ cây lát hoa có được bằng cách dùng vỏ thân vỏ cành của cây, phơi khô, nghiền thành bột thô, chiết bằng ethanol 50%, rồi cô dưới áp suất giảm ở nhiệt độ 50°C cho đến khô. Độc tính cấp đã được thử trên chuột nhắt trắng, dùng đường tiêm trong màng bụng, kết quả đã xác định được liều chết trung bình LD0 = 250 mg/kg [Dhar M.L. et al., 1974, Indian J. of experimental biology, vol. 12: 512 – 523].
Tác dụng trên hô hấp huyết áp:
Cao khô vỏ cây lát hoa được chiết như trên, tiêm tĩnh mạch cho mèo với liều 25 mg/kg làm tăng biên độ và tần số hô hấp [ Dhar M. et al., 1974, tài liệu đã dẫn]. Cao cũng có ảnh hưởng trên huyết áp mèo.
Tác dụng lợi tiểu:
Thử nghiệm được tiến hành trên chuột cống trắng 100 – 150g. Chuột được để nhịn đói qua đêm. Sáng hôm sau cho chuột uống dung dịch NaCl 0,9%, liều 5 ml/100g. Ở lộ thử thuốc, cho chuột uống cao khô vỏ cây lát hoa chiết như trên, với liều 60 mg/kg; ở lô đối chứng cho chuột uống urea 75 mg/kg. Kết quả cho thấy cao nghiên cứu có tác dụng lợi niệu mạnh hơn ở lộ đối chứng dùng urea (Dhar M.L. et al., 1974, tài liệu đã dẫn).
Tính vị, công năng
Vỏ cây, vỏ cành cây lát hoa có vị chát, có tác dụng làm săn se.
Công dụng
Vỏ cây, vỏ cành và lá non cây lát hoa được dùng chữa tiêu chảy. Ngày 5 – 10g sắc uống. Gỗ cũng được dùng như vỏ, nhưng liều 10 – 15g.
Ở Ấn Độ, người ta còn dùng lát hoa chữa tiêu chảy. Gỗ lát hoa dùng để chế tạo đồ dùng gia đình