Bằng lăng tía có tên khoa học là: Lagerstroemia calyculata Kurz. Đồng bào các dân tộc Ba Na, Gia Rai ở Tây Nguyên đã dùng nước sắc vỏ cây bằng lăng tía để rửa đắp vết thương, vết bỏng, chữa lỵ và ghẻ lở.
Tên tiếng việt: Bằng lăng tía
Tên khoa học: Lagerstroemia calyculata Kurz
Tên khác: Săng lẻ, bằng lăng ổi, rơ pa, tờ ru on (Ba Na).
Họ: Tử vi (Lythraceae).
Mô tả
- Cây gỗ to, cao 20 – 30 m. Cành non có cạnh và lông hình sao màu hung, cành già hình trụ, nhẵn. Lá mọc so le, hình mác, dài 7-14 cm, rộng 2-5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, phiến dài, mặt trên lúc đầu có lông hình sao, sau nhẵn mặt dưới lông đày hơn, gân lá chằng chịt tạo thành mạng rõ; cuống lá ngắn, có lông mịn.
- Cụm hoa tận cùng mọc thành chùm, có lông màu vàng, dài 12 – 20 cm; lá bắc rõ; hoa màu trắng tập hợp 6 – 8 cái ở một mấu, đài hình chuông, có lông, 6 thuỳ; cánh hoa 6, có móng; nhị nhiều gần đều nhau; bầu có lông ở đỉnh, vòi nhụy dài. Quả nang, hình trứng, dài 1,2 cm, nằm sâu 1/3 trong đài, đầu có mũi nhọn, khi chín nứt thành 6 mảnh.
- Mùa hoa quả: tháng 5-7.
Phân bố, sinh thái
- Chi Lagerstroemia L. gồm các đại diện là cây gỗ và cây bụi, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Đông – Nam Á và Australia. Một số loài cho gỗ có giá trị, các loài khác có hoa đẹp nên được trồng làm cảnh. Ở Việt Nam, có khoảng 20 loài, phân bố ở vùng núi, tập trung nhất từ tỉnh Nghệ An trở vào.
- Bằng lăng tía là một trong số ít loài, phân bố tương đối phổ biến ở một số tỉnh miền Bắc và miền Nam như Sơn La, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, các tỉnh ở Tây Nguyên và Tây Nam bộ. Độ cao phân bố thường dưới 800 m. Cây còn thấy nhiều ở Lào và Campuchia. Bằng lăng tía là loại cây gỗ lớn, thường mọc rải rác, đôi khi cũng khá tập trung, cùng một số loài cây: Cratoxylum polyanthum, Shorea obtusa, Careya sphaerica, Anisoptera costata…tạo nên kiểu rừng nửa rụng lá nhiệt đới điển hình ở Việt nam.
- Bằng lăng tía ưa mọc trên các loại đất đỏ bazan, dễ thấm nước và có hàm lượng mùn trung bình.
- Cây ra hoa quả nhiều hàng năm. Khả năng tái sinh từ hạt và từ gốc sau khi chặt khá tốt. Bằng lăng tía là cây thường xuyên được khai thác để lấy gỗ, củi.
Bộ phận dùng
- Vỏ cây
Thành phần hóa học
- Vỏ cây bằng lăng tía chứa alcaloid, flavonoid, saponin, tanin, coumarin, và sterol tanin trong vỏ chủ yếu là tanin catechic 23% và một lượng nhỏ tanin gallic 7%. ngoài ra còn có đường, chất nhầy, gôm và pectin. Gôm và chất nhầy trong lá cao hơn trong vỏ thân, còn tỷ lệ tanin trong lá lại thấp hơn trong vỏ.
Tác dụng dược lý
- Trong thí nghiệm in vitro, cao lỏng vỏ cây bằng lăng tía có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi khuẩn theo theo thứ tự hoạt tính giảm dần như sau: Shigella shigae. Bacillus subtilis, Proteus vulgaris. Sh. flexneri, Sh. sonnei, Salmonella typhi, Escherichia coli, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa.
- Bằng phương pháp pha loãng, đã xác định nồng độ ức chế tối thiểu của cao lỏng vỏ cây bằng lăng tía đối với những nấm gây bệnh ngoài da như: Epidermophyton inguinale (1:1), Trichophyton rubrum (1,5:1), Trichophyton gypseum (1,5:1) v<2 Candida albicans (2:1) Tanin là thành phần chủ yếu trong vỏ và lá cây bằng lăng tía có tác dụng kháng khuẩn. LD50 trong thí nghiệm cho uống trên chuột nhắt trắng của vỏ cây là 60g/kg, và của lá là 112,5g/kg.
- Trong thử nghiệm in vitro trên những chủng nấm phân lập từ người bệnh, cao nước vỏ bằng lăng tía cũng có tác dụng ức chế đối vối 4 loại nấm đã nêu trên, tác dụng mạnh nhất đối vối E. inguinale. Cao vỏ cây bằng lăng tía không diệt nấm mà chỉ kìm hãm sự phát triển của nó trong một số ngày.
- Đã áp dụng cồn vỏ cây bằng lăng tía 30% để điều trị bênh nấm ngoài da trên người đạt tỷ lệ khỏi 86% trong số 60 bệnh nhân. Đã áp dụng viên bào chế từ cao vỏ cây điều trị lỵ trực khuẩn đạt hiệu quả điều trị rất tốt đối với lỵ nhẹ, hơn hẳn tetracyclin và cloramphenicol, tương đương với bactrim.
- Đối vối bệnh lỵ mức độ vừa, thuốc không có hiệu lực bằng bactrim, và có hiệu lực tương đương tetracyclin và cloramphenicol. Áp dụng trong điều trị bỏng ở các mức độ khác nhau, cao đặc vỏ cây bằng lăng tía có tác dụng làm se khô và tạo màng thuốc che phủ các vết thương bỏng, không cần phải băng, tránh được đau đớn cho người bệnh khi thay băng. Đồng thời cao này còn có tác dụng làm giảm nhiễm khuẩn và làm rụng nhanh những hoại tử ở vết bỏng.
- Áp dụng điều trị cho một nhóm bệnh nhân bỏng có diện bỏng 5 – 15% cơ thể, thấy cao thuốc tạo được màng thuốc chữa bỏng nông, gây xót; đối với bỏng sâu hơn, cao bàng lăng tía không tạo được màng thuốc liên tục, màng dễ bị rạn nứt, nên tác dụng kém hơn. Ở Ấn Độ, một số loài khác thuộc chi Lagerstroemia đã được nghiên cứu sàng lọc dược lý trên động vật thực nghiệm. Cả cây trừ rễ của L. speciosa có tác dụng chống siêu vi khuẩn bệnh Ranikhet. Nó cũng có tác dụng gây giảm huyết áp.
Công dụng
- Đồng bào các dân tộc BaNa, Gia Rai ở Tây Nguyên đã dùng nước sắc vỏ cây bằng lăng tía để rửa đắp vết thương, vết bỏng, chữa lỵ và ghẻ lở.
- Nhân dân ở các tỉnh miền Trung đã dùng cao bằng lăng tía phối hợp với cao lá ổi, lá sim để chữa vết thương phần mềm, chữa hắc lào và eczema đạt kết quả tốt.
- Để chữa lỵ, dùng vỏ cây bằng lăng tía nấu cao, rồi bào chế thành viên để uống.
- Để chữa các bệnh nấm ngoài da, dùng cao chiết với cồn 60% vỏ cây bằng lăng tía 15% bôi trên da ở nơi bị bệnh.
- Để điều trị bỏng, dùng cao đặc vỏ cây bằng lăng tía bôi lên những vết thương bỏng để che phủ vết thương không cần phải băng. Cũng làm như vậy đối với vết thương phần mềm, sau khi đã rửa sạch vết thương.