Mục lục
Mô tả
Cây thảo, sống hai năm hoặc nhiều năm, cao 0,40 – 0,60m, có khi đến 1m. Thân mọc đứng, có khía dọc và lông mềm màu trắng.
- Lá mọc so le, hai mặt phủ lông tơ trắng, mép khía răng; lá ở phía gốc có cuống dài, chẻ lông chim 3 lần, lá ở gần ngọn chẻ ít hơn và có cuống ngắn.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành đầu, các đầu họp lại thành chùy; hoa màu vàng hay trắng.
- Quả ít gặp.
Phân bố, sinh thái
Cây có nguồn gốc ở vùng ôn đới ẩm thuộc châu Âu và một phần ở châu Á, đồng thời cũng có được trồng ở một số quốc gia Đông Âu và Liên Xô cũ. Ngải đắng được Viện Dược liệu nhập giống từ Hungari vào cuối những năm 60 của thế kỷ trước tại vườn thuốc ở SaPa. Tuy nhiên hiện nay cây đã bị mất giống.
Ngải đắng là cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát của vùng núi cao. Cây sống một năm, nên sau khi có quả già, toàn cây sẽ bị tàn lụi vào mùa đông.
Bộ phận dùng:
Toàn bộ phần trên mặt đất: lá, thân cành, hoa.
Thành phần hóa học
Ngải đắng chứa tinh dầu bao gồm myrcen, α – pinen, thujyl alcol, nerol, thujyl acetat.
Theo Kennedy Alan I, 1993, tinh dầu rễ chứa α – fenchen 53%, β – myrcen 6%, endo – bornyl acetat 2%, β – pinen 1%, trong khi đó tinh dầu rễ chứa neryl isovalerat 47% và nery butyrat 6% [CA 119; 1993: 4973 t].
Theo tài liệu khác, tinh dầu có 24 thành phần trong đó có thuyen và isothuyen (12 – 25%), sabinyl acetat (13 – 20%) và 1,8 – cineol (2 – 13%).
Tác dụng dược lý
Tác dụng kháng nấm, kháng khuẩn
Thử tác dụng kháng nấm của tinh dầu trên 2 loại nấm là Candida albicans và Saccharomyces cerevisiae var. chevalieri. Kết quả cho thấy, tinh dầu ngải đắng có tác dụng ức chế khá mạnh sự phát triển của cả 2 loại nấm.
Tác dụng bảo vệ gan
- Tác dụng của cao ngải đắng chiết bằng ethanol – nước đã được nghiên cứu trên tổn thương gan do acetaminophen và CCl4. Kết quả cho thấy:
- Acetaminophen với liều 1g/kg làm chết 100% chuột nhắt trắng, trong khi điều trị bằng cao ngải đắng với liều 500 mg/kg làm giảm tỷ lệ chết 20%.
- Điều trị từ trước cho chuột cống trắng bằng cao ngải đắng với liều 500 mg/kg, uống ngày 2 lần trong 2 ngày ngăn ngừa được (P < 0,01) sự tăng transaminase (ALT và AST) trong huyết thanh do dùng acetaminophen (640 mg/kg) hoặc CCI, (1,5ml/kg).
- Sau khi gây tổn thương gan, dùng cao ngải đắng với liều (500 mg/kg), 3 lần liên tiếp, cách nhau 6 giờ, hạn chế được tổn thương gan do acetaminophen (P < 0,05), nhưng độc tính gan do CCI4, không bị ảnh hưởng (P> 0,05).
- Như vậy, cao ngải đắng có tác dụng bảo vệ gan, một phần là do ức chế MDME và kết quả thí nghiệm đã chứng minh việc sử dụng ngải đắng để chữa tổn thương gan trong y học cổ truyền (Gilani et al., 1995).
Tác dụng chống viêm
Flavonoid của ngải đắng đã được chứng minh là có tác dụng chống viêm. Kết quả cho thấy p7F có tác dụng chống oxy và ức chế hoạt hóa NF – kB và có thể được dùng trong lâm sàng để điều trị các chứng viêm (Lee et al., 2004).
Tác dụng kích thích tiêu hóa
Ngải đắng có tác dụng như một thuốc bổ đắng, làm ăn ngon, kích thích tiêu hóa, có tác dụng kiện vị, bổ dạ dày.
Tính vị công năng
Ngải đắng (toàn cây) vị đắng, mùi thơm, tính ấm, có công năng bổ đắng, lợi tiêu hóa, hạ sốt, làm dịu đau, chống ho, trừ giun.
Công dụng
Ngải đắng được dùng làm thuốc kích thích tiêu hóa, làm thuốc bổ đắng chữa đầy hơi, đau dạ dày, đau gan, tăng huyết áp, ho, sốt. Liều dùng 2-10g thường dùng dạng thuốc hãm hoặc rượu thuốc.
Để kích thích tiêu hóa thường dùng liều thấp. Khi bị đau răng, sắc đặc ngải đắng, chấm vào chân răng bị đau.
Ở Tuynidi, quả và lá phơi khô rồi quấn làm thuốc hút, hoặc sắc uống làm thuốc trị sốt và trị cúm.
Cách dùng cây ngải đắng làm thuốc
Dùng cây khô sắc uống: Liều dùng lá, thân ngải đắng khoảng 15g/ngày sắc nước uống trong ngày.
Dùng ngâm rượu: 1kg lá, thân ngải đắng phơi khô (trong bóng râm), ngâm với khoảng 5 lít ~ 6 lít rượu 40 độ. Ngâm trong tầm khoảng 1 tháng trở lên là dùng được. Liều dùng 2 ly ~ 3 ly nhỏ/ngày. Rượu này thường được quen gọi với tên rượu áp xanh do có màu xanh lá cây, vị đắng.
Cây ngải đắng gắn liền với thương hiệu rượu áp xanh, rượu Absinthe
Ở nước ta rượu áp xanh nối tiếng huyện Đất Đỏ – Bà Rịa Vũng Tàu. Rượu này được tìm mua như một vị thuốc quý mà độc đáo vì độ lên màu đẹp lôi cuốn khiến ai cũng tò mò muốn uống.
Một điều độc đáo ở rượu Áp Xanh là cách pha chế có thể nhiều người biết nhưng không ai nắm được bí quyết bốc thang thuốc dùng nấu rượu. Người ta chỉ biết rằng trong thang thuốc đó có chừng bảy vị thuốc và việc bốc thuốc là nghề “cha truyền con nối” (Trong thang thuốc đó không thể thiếu ngải đắng, các loại đại hầu, riềng, cam thảo).
Rượu áp xanh cũng được ưa chuộng ở một số nước phương tây với tên Absinthe. Tuy nhiên người ta lấy chiết xuất từ cây áp xanh này để dùng pha chế rượu. Đây một loại thức uống gây nghiện được yêu thích vào thế kỷ XIX ở Pháp. Màu sắc xanh ngọc ấn tượng kết hợp hương liệu từ tinh dầu cây ngải đắng (áp xanh). Tuy nhiên rượu này gây kích thích thần kinh vì có hàm lượng thujone cao, dùng với lượng ít nó an toàn nhưng sẽ gây độc nếu dùng quá liều.
Lưu ý
- Không dùng cho phụ nữ có thai.
- Có thể gây rối loạn thần kinh như co giật, mất ngủ, hoang tưởng. Hoa gây dị ứng.