Mô tả
- Cây to rụng lá, cao 10 – 15 m. Thân hình trụ, vỏ ngoài màu nâu xám, có những nốt sần nhỏ. Cành mập nhẵn, có nhiều sẹo do lá rụng để lại. Lá kép lông chim lẻ, mọc đối, dài 20 – 30 cm, gồm 5 – 9 lá chét, thường là 7, hình bầu dục hoặc hình trứng, dài 7-10 cm, rộng 3-4 cm, gốc tròn, đầu thuôn nhọn dài, mép nguyên hoặc có răng rất nhỏ sít nhau, hai mặt nhẵn.
- Cụm hoa mọc ở đầu cành thành xim ngắn dạng ngù; hoa to, 4 – 8 cái màu trắng; đài úp kín hoa ở dạng nụ, sau phát triển thành hình máng rộng, đầu nhọn, dài 3 – 4 cm, rụng sớm; tràng hình phễu, có ống dài 10 – 12 cm, hơi cong, gồm 5 cánh hoa gần bằng nhau và có khía răng ở đầu; nhị thọt, 4 cái, 2 dài, 2 ngắn, chỉ nhị cong; bầu nhẵn.
- Quả nang, hình trụ, tròn dẹt, thẳng hoặc cong, mọc thõng xuống, dài 30 – 50 cm; hạt nhiều, dẹt, hình chữ nhật, có cánh dày. Mùa hoa quả : tháng 4-8.
- Cây dễ nhầm lẫn: Quao núi (Stereospermum neuranthum Kurzj) cùng họ, có hoa màu tím nhạt hoặc lơ nhạt, cánh hoa có vân đỏ, ống tràng ngắn; quả có 4 cạnh, hạt có cánh mỏng.
Phân bố, sinh thái
Chi Dolichartdrone Seem. gồm một số loài thân gỗ, phân bố ở vùng nhiệt đới châu Á. Quao nước mọc rải rác ở Ấn Độ, Campuchìa, Malaysia, quần đảo Salômôn và Tân Caleđôni. Ở Việt Nam, quao nước chỉ thấy ở phía nam, từ Quảng Nam trở vào đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất ở Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp… Cây thường mọc dọc theo bờ các kênh rạch có nước thủy triều, hay nước lợ; sinh trưởng phát triển tốt trên đất phèn.
Quao nước ra hoa quả nhiều hàng năm. Khi chín, quả tự mở; hạt phát tán chủ yếu nhờ nước. Khi cây bị chặt, phần gốc còn lại có khả năng tái sinh cây chồi.
Bộ phận dùng
Vỏ thân, lá, rễ và hạt thu hái quanh năm phơi hoãc sấy khô, có thể dùng dưới dạng cao lỏng.
Tác dụng dược lý
Hạt quao nước có tác dụng kháng khuẩn và chống co thắt.
Công dụng
Quao nước được dùng làm thuốc nhuận gan trừ ho, điều trị sỏi thận, thường phối hợp với các vị thuốc khác. Để giải độc, dùng vỏ cây quao nước phối hợp với cây ô rô nước nấu thành cao lỏng, uống. Trong y học dân gian Ấn Độ, người ta dùng hạt quao nước cùng với gừng để trị các bệnh co thắt, ở Indonesia, chế phẩm thuốc súc miệng từ lá quao nước trị tưa lưỡi, miệng. Ngoài ra, nước sắc vỏ cây để xử lý bảo quản lưới đánh cá.
Bài thuốc có quao nước
1. Thuốc nhuận gan:
- Vỏ thân quao nước, chế thành cao đặc cho thêm đường, rượu, dùng uống.
- Vỏ hoặc rễ quao nước, lá hoặc quả dành dành, vỏ cây chân chim, dây bìm biếc, mỗi vị 20g. sắc uống ngày một thang.
2. Chữa ho: Lá quao nước, lạc tiên, bọ mắm, huyết dụ, cỏ chân vịt, mía lau (hoặc mía nhỏ), tất cả dùng tươi, mỗi vị 30g. Sắc uống làm 2 lần trong ngày.
3. Chữa sỏi thận: Rễ quao nước, rễ rau ngót (sao tẩm mật) mỗi vị 30g; rễ thài lài trắng, hà thủ ô đỏ (chế với đậu đen), mỗi vị 20g. Sắc uống ngày một thang.
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam
Hoàng Quang Hiếu đã bình luận
Bên mình có bán loại này không vậy a.
Lê Đào đã bình luận
Chào anh Hiếu. Quao nước có công dụng nhuận gan, chữa xơ gan cổ trướng, giải độc, bổ huyết. Rất tiếc bên em hiện tại cung cấp và trao đổi thông tin dược liệu, và không bán dược liệu ạ.
Lâm Đông Y đã bình luận
Về miền Tây cây này có nhiều nek