Mục lục
Đặc điểm của cây rau càng cua
Rau càng cua là một loại cây thảo mộc một năm, có thân mọng nước và thường cao từ 20 – 40 cm. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của cây:
Thân và rễ
- Thân cây thẳng đứng hoặc đôi khi mọc bò sát đất ở phần gốc.
- Không có lông, phân nhánh nhiều.
- Các đốt thân dưới thường mọc rễ phụ, giúp cây dễ dàng phát triển ở những nơi ẩm ướt.
Lá
- Lá mọc so le, có dạng màng mỏng, hơi trong suốt.
- Hình trứng rộng hoặc tam giác, chiều dài và chiều rộng gần bằng nhau (khoảng 1 – 3.5 cm).
- Đầu lá nhọn hoặc tù, gốc hình tim.
- Mặt trên và mặt dưới đều nhẵn, không có lông.
- Gân lá có 5 – 7 đường, tỏa ra từ gốc, gân lưới không rõ ràng.
- Cuống lá dài 1 – 2 cm.
Hoa
- Hoa mọc thành cụm dạng bông, xuất hiện ở ngọn cây hoặc đối diện với lá.
- Cụm hoa mảnh, dài 2 – 6 cm, không có lông.
- Hoa nhỏ, mọc thưa.
- Lá bắc hình tròn, đường kính khoảng 0.5 mm, có một cuống nhỏ ở giữa.
- Bao phấn hình tròn, có cuống nhị ngắn.
- Bầu nhụy hình bầu dục, đầu nhụy có lông tơ ngắn.
Quả và mùa ra hoa
- Quả mọng, hình cầu, đường kính khoảng 0.5 mm, đầu nhọn.
- Ra hoa từ tháng 4 – 7 hàng năm.
Rau càng cua thường mọc ở nơi ẩm ướt, đặc biệt là vùng đất thấp, dễ sinh trưởng và phát triển mạnh trong điều kiện khí hậu nhiệt đới.
Phân bố, sinh thái
Cây có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.
Chi Peperomia Ruiz et Rav, ở Việt Nam đã biết có 6 loài. Loài rau càng cua phân bố tự nhiên gần như khắp các tỉnh miền núi, đôi khi gặp ở vùng trung du và cả đồng bằng (hiếm). Cây còn được trồng lấy rau ăn hoặc trồng làm cảnh trên các hòn non bộ. Trên thế giới, rau càng cua cũng bố rải rác ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á.
Cây đặc biệt ưa ẩm và ưa bóng, thường mọc thành đám nhỏ ở các hốc mùn đá, thậm chí ở các kẽ đá hoặc trên bề mặt đá chỗ có rêu bám. Cây cũng mọc trên đất ở bờ khe suối.
Bộ phận dùng
Toàn cây.
Thành phần hoá học
Rau càng cua chứa các chất apigenin (5, 7, 4 – trihydroxyflavon), acacetin (5, 7 – dihydroxy – 4′ – methoxyflavon), isovitexin (5, 7, 4 – trihydroxy- 8 – C. glucosid), pellucidatin – 8 – neohesperidosid, [5 – hydroxy – 3, 6, 7, 4 – tetramethoxyflavon – 8 – O -glucosyl (1 – 2) rhamnosid], (CA 121, 1994: 78279f), (CA 121, 1994: 276688s).
Tác dụng dược lý
Tác dụng trên các vi sinh vật:
Cao chiết bằng ethylacetat của toàn cây rau càng cua bỏ rễ có tác dụng kháng khuẩn khá mạnh trên Bacillus subtilis, Pseudomonas aeruginosae và Staphylococcus aureus. Mức độ tác dụng mạnh hơn penicillin [De Padua et al., 1999, vol.1: 380].
Tác dụng chống viêm:
Cao nước toàn cây rau càng cua có tác dụng chống viêm có ý nghĩa, nhưng chỉ loại thu hái vào mùa đông và mùa xuân mới có tác dụng (Arrigoni et al., 2002). Cao chiết nước của phần trên mặt đất cây rau càng cua đã được thử tác dụng chống viêm trên mô hình gây phù bằng caragenin và bằng acid arachidonic ở chuột cống trắng. Kết quả cho thấy, cao với liều cho uống 200 và 400 mg/kg có tác dụng chống viêm tốt (Arrigoni – Blank et al., 2004).
Tác dụng giảm đau:
Cao chiết bằng methanol của phần trên mặt đất cây rau càng cua với liều từ 70 – 210 mg/kg có tác dụng giảm đau do acid acetic ở chuột nhắt trắng (Aziba et al., 2001). Cao chiết nước phần trên mặt đất của cây rau càng cua đã được nghiên cứu tác dụng giảm đau trên mô hình gây đau quặn bụng bằng acid acetic và thử nghiệm tấm nóng trên chuột nhắt trắng. Kết quả cho thấy, trên mô hình dùng acid acetic, cao có tác dụng mạnh nhất ở liều 400 mg/kg, trong khi dùng mô hình tấm nóng, liều tốt nhất là 100 mg/kg (Arrigoni – Blank et al., 2004).
Tác dụng trên tế bào ung thư:
Đã nghiên cứu tác dụng của một số chất chiết từ toàn cây rau càng cua trên ba dòng tế bào ung thư của người là HL – 60 (bệnh đa bạch cầu tiền tuỷ bào cấp), MCF – 7 (dòng tế bào ung thư vú) và Hela (dòng tế bào ung thư cổ tử cung). Kết quả cho thấy chất secolignan – 1 có tác dụng ức chế sự phát triển của cả 3 dòng tế bào ung thư với IC50 từ 1,4 đến 9,1 micromol, chất peperomin E có IC50 từ 1,8 đến 11,1 micromol, chất secolignan – 2 có tác dụng ức chế yếu trên dòng tế bào HL – 60 với IC 50 là 10,8 micromol (Xu S. et al., 2006).
Tính vị, công năng
Cây rau càng cua vị ngọt, chua, hơi chát, tính mát, có công năng thanh nhiệt giải độc, tán ứ chị thống.
Công dụng
Công dụng chữa bệnh
Rau càng cua có nhiều công dụng trong y học dân gian nhờ vào đặc tính thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm và giảm sưng.
Giải nhiệt, thanh lọc cơ thể: Rau càng cua giúp làm mát cơ thể, hỗ trợ thải độc và giảm các triệu chứng nóng trong.
Hỗ trợ giảm đau, tiêu viêm: Được sử dụng trong dân gian để điều trị các bệnh liên quan đến viêm nhiễm như mụn nhọt, áp-xe, viêm da và đau nhức cơ xương khớp.
Chữa bệnh thấp khớp và chấn thương: Rau càng cua có tác dụng giúp giảm đau do thấp khớp, hỗ trợ chữa trị chấn thương do va đập, té ngã.
Kháng khuẩn, chống viêm: Nhờ đặc tính kháng vi khuẩn, rau càng cua có thể giúp phòng ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh nhiễm trùng.
Giúp vết thương mau lành: Rau càng cua có tác dụng thúc đẩy quá trình hồi phục của các vết thương hở, giúp da nhanh chóng liền lại.
Hỗ trợ giảm cholesterol và bảo vệ thận: Theo một số nghiên cứu, rau càng cua có thể giúp giảm cholesterol trong máu và hỗ trợ điều trị protein niệu (một dấu hiệu của bệnh thận).
Ngoài ra, ở một số quốc gia:
- Tại Brazil: Rau càng cua được sử dụng để chữa các bệnh ngoài da như mụn nhọt, áp-xe, viêm kết mạc.
- Ở Trung Nam Phi, rau càng cua được dùng như ở Philippin, ngoài ra còn sắc uống để kích thích tiêu hoá, ăn ngon.
- Ở Trung Quốc, toàn cây được dùng giã đắp trị đòn ngã, bỏng lửa, bỏng nước, ung sang thũng độc.
- Tại Philippines: Người dân dùng rau càng cua để phòng và hỗ trợ điều trị viêm khớp cũng như bệnh gout. Toàn cây giã nát làm thành miếng đắp, hơ nóng, đắp lên chữa áp xe và nhọt chưa vỡ mủ, nước sắc hoặc hãm, uống chống gút, đau thấp khớp, bệnh thận.
- Ở Malaysia, toàn cây sắc uống chữa thấp khớp, mệt mỏi.
Công dụng khác
Rau càng cua là một loại rau giàu dinh dưỡng, chứa nhiều nước, carbohydrate, protein, chất béo, vitamin C, beta-caroten và các vi khoáng cần thiết. Nhờ hàm lượng dinh dưỡng dồi dào, loại rau này rất được ưa chuộng dùng làm thực phẩm ở các nước Đông Nam Á.
Rau càng cua có thể ăn sống hoặc chần sơ qua nước sôi rồi chế biến. Khi nấu xào hoặc nấu canh, rau có vị giòn, mát, hơi ngọt nhẹ và thơm dịu.
Rau càng cua có thể dùng để làm món xào, nấu canh hoặc trộn gỏi. Một số người lần đầu ăn có thể cảm nhận mùi hơi tanh nhẹ, nhưng chỉ cần thêm một chút rượu trắng hoặc giấm khi chế biến sẽ giúp khử mùi hiệu quả.
Bài thuốc với rau càng cua
1. Giảm viêm họng:
- Lấy 50 – 100g rau càng cua, rửa sạch rồi nhai ngậm hoặc xay nước uống mỗi ngày.
- Dùng liên tục 3 – 5 ngày để thấy hiệu quả.
2. Trị mụn nhọt:
- Ăn sống 150g rau càng cua hoặc xay lấy nước uống để giúp thanh nhiệt, giảm sưng viêm.
3. Chữa da khô sần, ngứa ngáy, vết thương lâu lành:
- Có thể ăn sống, xay nước uống hoặc giã nát đắp lên vùng da bị tổn thương để giúp da nhanh hồi phục.
4. Hỗ trợ kiểm soát tiểu đường:
- Rau càng cua 100g rửa sạch, bóp giấm hoặc chanh.
- Ếch 1 con (100g), làm sạch, bỏ đầu, lấy thịt tẩm bột rán chín vàng.
- Trộn đều các nguyên liệu và ăn 2 – 3 lần/tuần.
5. Lợi tiểu:
- Rau càng cua 150 – 200g, rửa sạch, đun với 300ml nước.
- Chia làm 2 lần uống trong ngày, liên tục 5 ngày.
6. Bổ sung sắt, trị thiếu máu:
- Rau càng cua 100g, rửa sạch, bóp giấm.
- Thịt bò 100g, xào chín tới rồi trộn với rau càng cua.
- Ăn cùng cơm, tuần 3 lần để cải thiện tình trạng thiếu máu.
7. Giảm đau lưng do co rút cơ:
- Rau càng cua 50 – 100g, sắc nước uống mỗi ngày.
7. Chữa sưng tấy (chín mé chưa vỡ mủ):
- Rau càng cua 100 – 150g, đun sôi với 250ml nước.
- Chia làm 2 lần uống trong ngày, bã rau có thể đắp lên vùng sưng.
9. Hỗ trợ giảm triệu chứng run do Parkinson:
- Lấy 200g rau càng cua, rửa sạch, xay lấy nước uống.
- Uống liên tục trong 2 tuần để giúp cải thiện tình trạng run tay chân.
10. Giảm căng thẳng, mất ngủ
- Lấy 100g rau càng cua ép nước uống.