Mô tả
Cây thảo có thân gỗ mọc đứng cao 30-50cm, với những rễ to và nạc nom như chân rết. Cuống lá dài 20-30cm, dày, màu lục hay màu cánh gián. Phiến không sinh sản hình bàn tay xoè ra của các đoạn thon, thót hẹp dần về phía gốc và về phía ngọn, nguyên hay hơi có răng cưa không đều; phần sinh sản là bông dài 10-15cm, rộng 0,5-1cm, ngoằn ngoèo như con giun, nằm ở đầu một cái cuống đi từ gốc của phần không sinh sản.
Bộ phận dùng
Thân rễ – Rhizoma Helminthostachyos.
Nơi sống và thu hái
Loài phân bố ở Nam Trung Quốc và các nước Á châu nhiệt đới. Ở nước ta, cây mọc ở nhiều nơi, cuối mùa hạ đầu mùa thu, trên các bãi cỏ đá vôi và cả ở núi đất. Thu hái thân rễ quanh năm, rửa sạch, thái phiến, phơi khô dùng.
Tính vị, tác dụng
Quản trọng có vị ngọt, tính mát; có tác dụng làm mát phổi, hóa đờm. Ở Malaixia người ta xem như là bổ và hạ nhiệt. Ở Ấn Ðộ xem như là nhuận tràng, chống độc và giảm đau.
Công dụng, chỉ định và phối hợp
- Ở Inđônêxia, cũng như ở Malaixia, Philippin, người ta dùng những chồi non để ăn sống hay nấu chín làm rau ăn, như kiểu ăn măng tây; thường các chồi non có nhiều phosphor, sắt. Thân rễ được dùng trị ho có nhiều đờm, hen suyễn và ho lao. Liều dùng 12-20g rễ khô sắc uống. Dùng ngoài, giã thân rễ tươi đắp vết thương và rắn độc cắn, đồng thời sắc nước uống.
- Ở Malaixia, người ta dùng ăn với trầu không để chặn ho; ở Java dùng để trị lỵ, xuất tiết và giai đoạn đầu của bệnh lao phổi.
- Ở Ấn Ðộ, người ta dùng trị bệnh đau dây thần kinh tọa.