Mục lục
Mô tả
- Cây nhỡ, cao 5 – 7 m. Cành nhẵn, khi non màu lục nhạt. Lá mọc so le, hình quả trám, dài 5-7 cm, rộng 4 – 6 cm, gốc có 2 tuyến nhỏ, đầu nhọn hoắt, hai mặt cùng màu lục nhạt, nhẵn, mép nguyên; cuống lá mảnh, dài 3-4 cm; lá kèm hình dải.
- Hoa màu trắng vàng hoặc vàng mọc thành bông dài 7 – 10 cm ở kẽ lá hoặc đầu cành, đơn tính cùng gốc; hoa đực có đài hình đấu có răng nhỏ, nhị 2, bao phần gần hình cầu; hoa cái nhiều, có đài hợp chia 2 – 3 thùy, bầu hình trứng, 3 ô.
- Quả hạch, hình cầu hơi nhọn ở đầu, đưòng kính 1 – 1,5 cm, khi chín nứt thành 3 mảnh, chứa 3 hạt.
- Mùa hoa; tháng 3-4; mùa quả: tháng 5-7.
Phân bố, sinh thái
Sòi trắng có vùng phân bố tương đối rộng từ Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ xuống phía nam thuộc khu vực Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây cũng phân bố rộng rãi khắp các tỉnh vùng núi (dưới 800 m), trung du và đôi khi cả vùng đồng bằng ven biển.
Sòi trắng ưa sáng, mọc nhanh và cũng có thể sống được ở trên nhiều loại đất. Cây thường mọc ở rừng thứ sinh, rừng cây bụi (vùng ven biển và đảo) và đồi. Ở vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ, sòi trắng đôi khi thấy có trong các lùm bụi quanh làng, hoặc ở bờ ao. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm tái sinh tự nhiên từ hạt và gốc thân sau khi bị chặt.
Bộ phận dùng
Vỏ rễ, vỏ thân, lá, hạt, thu hái quanh năm. Dùng tươi hay phơi khô.
Thành phần hóa học
- Vỏ rễ sòi trắng chứa chất nhựa. Bột rễ chiết bằng ethanol cho phloracetophenon 2,4-dimethylether, còn nếu chiết bằng methanol thì cho xanthoxylin. Vỏ còn chứa moretenon, moretenol và epimoretenol (Th Wealth of India, IX, 1972).
- Lá chứa acid galic, acid elagic, isoquercitrin và tanin 5,5%.
- Theo Zhou Guangxiong và cs, 1996, lá sòi trắng có kaempferol, acid galic ethyl ester, quercetin (CA 126,183818 k).
- Ngoài ra, lá còn có p-sitosterol, n-dotriacontanol 3-friedelanon, N-phenyl-l-naphthylamin, moretenon và moretenol (Zhang Shilian và cs, 1995, CA 124 112 368 m).
- Vỏ thân chứa acid 3,4-di-O-methylelagic và acid sebiferic.
Hạt sòi trắng gồm 2 phần
- Lớp sáp bao quanh hạt, trong đó chất mỡ chiếm 55 – 78%. Chất mỡ này chứa acid lauric 0,3%, acid myristic 4,2%, acid palmitic 62,3%, acid stearic 5,9%, acid oleic, và acid linoleic, giống bơ cacao, có thể ăn được nếu được tinh chế tốt.
- Dầu béo có tỷ trọng 0,9539, n“ 1,4790, aỏ° – 6,1, chỉ số xà phòng hóa 196,0, chỉ số acid 1,5, chỉ số iod 178,0, chỉ số acetyl 7,8. Các acid béo là acid caprylic 1,50%, acid capric 1,00%, acid myristic 0, 97%, acid palmitic 2,6%, acid stearic 1,00%, acid oleic 9,4%, acid linoleic 53,40%, acid linolenic 30,00%. Theo tài liệu khác, dầu béo chứa acid capric (vết), acid palmitic 7%, acid stearic 3%, acid 2,4- decadienoic 5%, acid oleic 7%, acid linoleic 24%, acid linolenic 54%. (The Wealth of India IX, 1972).
Theo Aitzetmulle K và cs, 1996, dầu béo còn có Y – tocotrienol (CA 126, 314.762 n).
Theo Zhang Gengwang và cs, 1996, từ chất mỡ của lớp sáp, có thể chế chất thay thế bơ ca cao (CA. 125, 299676 vv).
Khô dầu sau khi ép dầu có nhiều protein có the dùng làm thực phẩm hoặc phân bón. Protein này chứa arginin 16,6%, acid aspartic 11,7%, cystin 1,3%, glycin 4,9%, acid glutamic 17,3%, histidin 2,9%, leucin 7,4%, lysin 2,6%, methionin 1,6%, tyrosin 3,7%, vaíin 7,8% (The Wealth of India IX, 1972).
Tác dụng dược lý
Cao chiết với cồn 50° của cả cây sòi trắng trừ rễ có các tác dụng hạ nhiệt và lợi tiểu.
Trong thử nghiệm in vitro, cao chiết từ vỏ rễ sòi trắng có tác dụng ức chế các chủng vi khuẩn Streptococcus faecalis, Klebsiella pneumoniae, Streptococcus pneumoniae, Bacillus anthracis, Pseudomonas aeruginosa, Proteus vuỉgaris, Escherichia coli.
Nước sắc lá trong thử nghiệm bằng phương pháp khuếch tán đã biểu lộ hoạt tính ở mức độ vừa đối với các chủng vi khuẩn tụ cầu vàng, trực khuẩn lỵ và cả chủng trực khuẩn mủ xanh kháng lại nhiều thuốc kháng sinh thường dùng. Nước sắc lá sòi trắng nhỏ vào vết thương thực nghiệm được gây nhiễm trực khuẩn mủ xanh ở chuột lang đã có hiệu quả làm vết thương sạch khuẩn sau 3 – 6 ngày, và khỏi hẳn trong vòng 8-14 ngày, nhanh hơn rõ rệt so với chỉ rửa vết thương bàng nước muối sinh lý.
Cao chiết từ lá sòi trắng chứa tanin có tác dụng tạo màng thuốc do tác dụng gây kết tủa protein ở vết thương bỏng của tanin. Màng thuốc bám chắc vào vết bỏng, che phủ ngăn thoát dịch huyết tương, bảo vệ vết bỏng, ngăn sự phân hủy của protein tại vết bỏng do protein kết tủa với acid tanic có trong cao thuốc, nên giảm được hiện tượng nhiễm độc cấp do bỏng, giảm mùi hôi vết thương. Ngày bôi một hoặc nhiều lần. Thời gian điều trị khỏi trung bình là 9 ngày đối với bỏng độ II, và 22 ngày đối với bỏng độ III.
Thử nghiệm trên lâm sàng đã chứng minh vỏ rễ sòi trắng có tác dụng điều trị bệnh sán máng gây sưng to lách và gan, bụng trướng nước, thiếu máu trầm trọng và bệnh viêm gan có tính chất truyền nhiễm với những, triệu chứng nước tiểu sánh, ít, đại tiểu tiện không thông, hoàng đản, sườn bên phải sưng đau, ăn kém ngon, sốt. Phân đoạn tan trong cloroform chiết tách từ cao methanol của lá sòi trắng có hoạt tính ức chế sự phát triển của bệnh bạch cầu lympho trong thử nghiệm in vitro. Sự chiết phân đoạn được định hướng bởi thử nghiệm về hoạt tính sinh học cho thấy thành phần acid galic có hoạt tính độc hại tế bào với ED50 là 0,7ng/ml. Tất cả các bộ phận của cây sòi trắng có độc tính và có tính kích ứng.
Tính vị, công năng
Vỏ rễ và lá sòi trắng có vị đắng, tính hơi ấm, có độc, có tác dụng thông tiểu, nhuận tràng, giải độc, tiêu nước.
Công dụng
Vỏ rễ sòi trắng được dùng chửa thủy thũng, cổ trướng, đại tiểu tiện không thông và các chứng đinh độc. Ngày dùng 10 – 12g dạng thuốc sắc. Nếu dùng vỏ lụa tươi, liều gấp 3 lần liều vỏ khô. Lá và rễ sòi trắng để tươi, giã nát, vắt lấy nước uống, bã đắp chữa rắn cắn. Cao hoặc bột thuốc chế từ lá sòi trắng chữa các vết bỏng nông (bỏng lớp thượng bì, bỏng trung bì) và mới (trong khoảng 72 giờ đầu kể từ khi bị bỏng), chưa bị viêm nhiễm khuẩn mủ. Thuốc còn được chỉ định để tạo màng che phủ các vùng lấy da, các vết mổ, các đường khâu mổ vô khuẩn. Sáp của hạt sòi chữa bệnh ngoài da.
Ghi chú: Sòi trắng có tác dụng tẩy và tháo nước mạnh; nếu người yếu mà không ứ nước nguy cấp thì không nên dùng uống.
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, sòi trắng được dùng để điều trị viêm âm đạo, bệnh sán máng, viêm gan có tính chất truyền nhiễm, bụng trướng nước, hoàng đản. Trong y học dân gian Ấn Độ, dầu béo từ hạt là thuốc gây nôn, tẩy, lợi tiểu, tiêu thũng, vả chữa vết thương, bệnh ngoài da. Nước sắc vỏ rễ chữa khó tiêu và làm thuốc bổ. Nhựa từ vỏ rễ có tác dụng tẩy.
Bài thuốc có sòi trắng
1. Chữa mụn nhọt, mẩn ngứa: Dầu hạt sòi (cả lớp sáp và nhân) 100g, nước 100ml, hồng đơn 50g. Đun dầu và nước cho nóng, rồi cho hồng đơn vào khuấy đều, đun sôi, khi nước cạn, cho thêm nước vào đến khi hồng đơn mất màu. Dùng cao bôi nhiều lần trong ngày.
2. Chữa bệnh thủy thũng (bụng chướng to, ăn kém ngon): Vỏ rễ sòi trắng (chỉ lấy lớp vỏ lụa) phơi khô, tán nhỏ. Làm viên bằng hạt đậu xanh. Ngày uống 10 – 20g, có thể nhiều hơn.
3. Chữa phù thũng, cổ trướng, đại tiểu tiện không thông, ứ nước, bí đầy, khó tiêu: Vỏ rễ sòi trắng (lớp trắng ở trong, sao), mộc thông, hạt cau, mỗi vị 12g. sắc uống ngày một thang.
4. Chữa ngộ độc: Lá sòi trắng, một nắm, giã nhỏ, thêm nước gạn uống.
5. Chữa đại tiện không thông: Dầu hạt sòi trắng một thìa, uống trong ngày.
Nguồn : Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam.