Mô tả
- Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, cao 30 – 60 cm. Rễ mập, dài khoảng 20 – 30 cm, màu trắng ngà. Thân hình trụ, mọc thẳng, nhẵn.
- Lá mọc đối, có bè, hình mác hoặc hình trứng dài 6 – 28 cm, rộng 2,5 – 6 cm, gốc thuôn hẹp, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gân song song, 5 -7.
- Hoa không cuống, mọc tụ họp ở kẽ lá gần “gọn thành cụm nhiều hoa, đôi khi chỉ vài cái lẻ “; hoa màu lơ hay lơ tím; đài 4 – 5 răng 0,5 – 1 mm, hợp thành ống, tràng hình trụ có gốc màu vàng nhạt, cánh hoa 3 – 4,5 mm; nhị đính ở nửa của ống tràng, chỉ nhị 5 -7 mm, bao phấn hẹp 1,2 – 2,5 mm.
- Quả hình trứng – ellip, dài 1,5 – 1,7 cm, có nhiều hạt màu nâu sáng.
- Mùa hoa: tháng 7- 10.
Bộ phận dùng:
Rễ đã được phơi hay sấy khô của nhiều loài tần giao gồm: tần giao (Gentiana macrophylla Pall.) và thô kinh tần giao (Gentiana crassicaulis Duthic ex Burk.); ma hoa tần giao = ma hoa giao (Gentiana staminea Maxim.), tiểu tần giao (Gentiana dahurica Fisch), họ Long đởm (Gentianaceae).
Rễ thu hoạch vào mùa xuân thu. Rễ đào lên, rửa sạch.
Thành phần hoá học
- Rễ chứa gentianin, gentianidin, gentiopicrosid.
- Ngoài ra còn có tinh dầu.
Tác dụng dược lý
Hoạt chất gentiopicrosid phân lập từ tần giao có hoạt tính chống viêm trên phù thực nghiệm bàn chấn chuột cống trắng gây bởi carragennin. Gentianin có tác dụng chống viêm mạnh gấp 2 lần so với aspirin.
Ngoài ra, tần giao còn có tác dụng chống quá mẫn cảm, kháng histamin, gây an thần, gây ngủ, làm giảm tần số đập của tim và huyết áp và tác dụng kháng khuẩn.
Cao nước rễ tần giao có hoạt tính trên hệ thân kinh trung ương. Gentiopierosid, một thành phần secoiridoid đắng chủ yếu phân lập từ rễ tần giao có tác dụng dự phòng tổn thương gan gây bởi hoá chất và miễn dịch ở chuột nhắt trắng.
Công dụng
Trong y học cổ truyền Trung Quốc, tần giao được điều trị thấp khớp và sốt do thiếu khí và huyết, có tác dụng giảm đau, hạ sốt, lợi tiểu, chống nhiễm độc gan.
Tần giao còn được dùng làm thuốc bổ đối với hệ tiêu hoá, chức năng dạ dày, gan và túi mật [Huang K.C., 1999: 204; Darshan S. et al., 2004).