Mục lục
Mô tả
- Cây nhỏ hay cây nhỡ, không gai hoặc có gai ngắn nằm ngang. Lá mọc so le, hình bầu dục, dài 6 -11 cm, rộng 4-6 cm, gốc tròn, đầu tù, mép có răng cưa; cuống lá dài khoảng 1 cm, không có cánh.
- Cụm hoa mọc thành chùm 2-3 hoa, đôi khi mọc đơn độc; hoa màu trắng, hơi đốm tía hoặc tím; đài 5 rãnh hình tam giác nhẵn; tràng 5 cánh nhẵn; nhị 4-8; bầu hình trứng.
- Quả to, hình trái xoan, núm quả lõm, đầu nhô cao, vỏ ngoài dày sần sùi, khi chín màu vàng tươi, cùi xốp màu trắng, ruột nhỏ, múi bé, có vị chua, hơi đắng.
- Mùa hoa quả: tháng 2-8.
Phân bố, sinh thái
- Thanh yên có thể có nguồn gốc từ vùng cận Himalaya thuộc Đông – Bắc Ấn Độ đến Mianma. So với các loài quả có múi khác (cùng chi Citrus), thanh yên tuy là cây ít quan trọng, song lại được trồng sớm nhất ở châu Âu (Italia, Hy lạp và Pháp) và Trung Quốc. Hiện nay, cây gặp phổ biến ở nhiều nuớc nhiệt đới khác như Việt Nam, Nhật Bản, Lào, Thái Lan, Malaysia, Campuchia… Cây được trồng nhiều ở các tỉnh phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc…
- Thanh yên là cây ưa sáng và ưa ẩm. Cây trồng ở Việt Nam tỏ ra thích nghi với vùng có khí hậu nóng ẩm, nhiệt độ trung bình từ 19 đến 22°C. Về mùa đông, cây rụng lá và có thể chịu được nhiệt độ thấp khoảng 10 hoặc 7°C. Cây ưa loại đất có thành phần cơ gió nhẹ, dễ thoát nước, sinh trưởng mạnh trong mùa xuân hè; mùa hoa đồng thời với lúc có lá non; mùa quả kéo dài đến 8 hoặc 9 tháng. Vòng đời của cây có thể tới 25 năm.
Bộ phận dùng
- Quả, thu hái lúc có màu vàng tươi, đem cắt đọc thành từng miếng hoặc bổ ngang thành khoanh với chiều dày 0,5 – 1 cm, phơi hoặc sấy nhẹ cho khô (tránh phơi nắng to hoặc dùng lửa mạnh để bảo đảm phẩm chất, hương vị). Không phải chế biến.
- Còn dùng rễ và lá, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi, sấy khô.
Thành phần hóa học
- Từ vỏ quả thanh yên, người ta chiết đươc một loại tinh dầu giàu limonen, dipenten, một chất phát quang citrapten, chtral, một aldehyd… Cùi quả chứa hesperosid như chanh. Hoa có tinh dầu như tinh dầu cam (Võ Văn Chu Từ điển cây thuốc Việt Nam – 1135).
- Theo Trung dược chí (cuốn 3 phần 1 trang 64), vở quả có tinh dầu 6,5 – 9% chứa citral, limonen, dipcnten; phcmanthren, acetat gcranyl, acetat linallyl; ngoài ra còn hesperidin, pectum,
- Ruột có acid citric, hạt chứa limonin, obacunon và momilim citrusin.
- Nomilin là limonoid chính (chất đắng chủ yếu) có trong các bô phận của quả nhưng cao nhất trong hạt (C.A. 119 1993, 11420 b).
Tác dụng dược lý
Citrusin được thí nghiệm trên chuột cống trắng bằng đường tiêm tĩnh mạch với liều 10 mg/kg có tác dụng chống tăng huyết áp.
Tính vị, công năng
Thanh yên có vị cay, đắng, chua, hơi ngọt, tính ôn, vào các kinh can, phế, tỳ, có tác dụng lý khí, bài hơi, thư uất, hóa đờm, chống nôn, giúp tiêu hóa.
Công dụng
- Trong thực phẩm, cùi quả thanh yên ngâm trong đường rồi chế thành mứt có mùi thơm đặc biệt rất được ưa chuộng. Theo y văn cổ truyền, thanh yên được dùng chữa đau tức hơi vùng dưới tim (tâm hạ khí thống), ho có đờm (đàm ẩm khái thấu), nôn mửa do hơi đưa ngược lên (khí nghịch ẩu thổ).
- Vỏ và cùi quả thanh yên nhai nuốt nước, sẽ làm tan đờm kết để chữa ho.
- Liều dùng: 3-9 g/ngày, dưới dạng thuốc sắc, hoặc chế thành hoàn tán. Lá và rễ cây thanh yên sắc nước uống cũng có tác dụng chữa các bệnh trên. Dịch quả thanh yên được dùng chữa bệnh hoại huyết, giun sán, nôn mửa. Ở Ấn Độ, người ta dùng rễ thanh yên trị giun, táo bón, nôn mửa, sỏi niệu đạo.
Bài thuốc có thanh yên
Chữa ợ hơi, nôn mửa, kém ăn:
- Thanh yên 2 quả, xuyên bối 90 g, đương quy (sao) 45 g, bạch thông thảo 30 g, tây qua bì 30 g, cát cánh 9g.
- Tất cả thái nhỏ, sắc thành dịch đặc, chế thành hoàn, mỗi lần uống 9 g với nước đun sôi để nguội (tài liệu Trung Quốc)