Mục lục
Mô tả cây
- Cây thân leo, mọc thành bụi, dài hàng mét. Thân nhẵn, có cạnh và khía dọc.
- Lá kép mọc đối, có 5 lá chét hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có lông thưa; cuống lá dài xoắn vặn.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, đài có 5 răng có lông ở mép, nhị nhiều.
- Quả bế, hình trứng dẹt, tận cùng bằng một vòi nhụy dài gấp 6 – 10 lần bầu, có lông màu vàng nhạt.
- Mùa hoa vào tháng 6 – 8; mùa quả vào tháng 9 – 11. loại dây leo, mọc thành bụi, dài hàng mét. Thân nhẵn, có cạnh và khía dọc. Lá kép mọc đối, có 5 lá chét hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có lông thưa; cuống lá dài xoắn vặn. Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, đài có 5 răng có lông ở mép, nhị nhiều. Quả bế, hình trứng dẹt, tận cùng bằng một vòi nhụy dài gấp 6 – 10 lần bầu, có lông màu vàng nhạt.
- Mùa ra hoa: tháng 6 – 8; mùa quả : tháng 9 – 11.
Phân bố
Cây mọc hoang ở các tỉnh miền núi, thường gặp ở ven rừng, bờ nương rẫy.
Bộ phận dùng
- Rễ. Mỗi năm mọc nhiều rễ, lâu năm mọc thành một khóm rậm rạp, có hàng trăm sợi, dài đến 60cm.
- Dùng thứ rễ nhiều, rậm dài, đen sẫm, nhục trắng, chất chắc (tục gọi ‘Chiết ước Uy linh tiên’) là tốt nhất, còn thứ khác nữa nhưng không dùng làm thuốc được.
- Ở Việt Nam có hai cây thường dùng thay Uy linh tiên Trung Quốc là cây Kiến cò hay Bạch hạc (Rhinacanthus communic Nees, họ Acanthaceae). Ở liên khu IV có loại Uy linh tiên dây leo Thunbergia (cùng họ), lá hình quả tim, hoa trắng, rễ từng chùm như dây Uy linh tiên Trung Quốc (cần sưu tầm, nghiên cứu thêm).
Thành phần hoá học
Có Anemonin và Anemonon.
Tính vị
Vị cay, mặn, tính ôn.
Tác dụng
Hành khí, trừ phong, thông kinh lạc.
Chủ trị
Trị phong tê, đau nhức, lợi tiểu, tích trệ.
Đơn thuốc kinh nghiệm
- Trị phong thấp, đau khớp, đau và tê cứng các khớp và suy yếu vận động: Dùng Uy linh tiên với Độc hoạt, Tang kí sinh và Đương qui (Trung dược học).
- Trị hóc xương cá: Uy linh tiên sắc lấy nước, hoà với dấm uống (Trung dược học)
- Dùng tươi giã nát đắp ngoài trị sang lở và hắc lào.
Cách bào chế
- Theo Trung Y: Rửa sạch, bỏ tạp chất, ngâm nước cho mềm, vớt ra cắt từng khúc 2cm, phơi khô dùng; hoặc tẩm rượu, ủ thấu, sao nhỏ lửa cho khô, để nguội dùng.
- Theo kinh nghiệm Việt Nam: Bỏ tạp chất, rửa sạch, ủ kín độ 12 giờ (không được ngâm nước) cắt ra từng khúc 3cm phơi khô.
- Tuỳ từng trường hợp tẩm rượu, giấm, mật, gừng rồi sao qua.
Tác dụng dược lý
Theo Y học cổ truyền:
- Trừ phong thấp, thông kinh lạc, chỉ tý thống. Chủ trị phong thấp tý thống, gân co giật, trị hóc xương cá.
Trích đoạn Y văn cổ:
- Sách Tân tu bản thảo: “Các chứng lạnh ở vùng thắt lưng, thận, chân gối, tích tụ trong ruột nhiều năm không bớt, uống vào có công hiệu”.
- Sách Khai bảo bản thảo: “Chủ chư phong, tuyên thông ngũ tạng, trừ lạnh ứ trệ trong bụng, đàm thủy tích lâu ngày ở tâm cách, các chứng trưng hà huyền tích khí, bàng quang súc nồng ác thủy, lưng gối lạnh đau, trị gãy xương (liệu chiết thương)”.
- Sách Bản thảo chính nghĩa: “Các chứng đàm thấp, huyết ngưng khí trệ, chứng thực dùng thích hợp. Thuốc dùng trị các chứng phong hàn thấp ngưng trệ, các khớp co duỗi khó khăn, chứng trúng phong không nói được, chân tay bại, mồm méo”.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại:
- Cho chó uống nước sắc rễ Uy linh tiên, tần số nhu động thực quản tăng, biên độ lớn hơn. Người sau khi hóc xương cá, vùng trên của thực quản và họng co thắt, uống Uy linh tiên vào được thư giãn (do tác dụng kháng histamin của thuốc), nhu động thay đổi, xương rơi (đó là căn cứ trị hóc xương mà y văn cổ đã nói).
- Uy linh tiên có tác dụng kháng histamin đối với cơ trơn ruột thỏ cô lập. Nước sắc chiết cồn đều có tác dụng lợi mật.
- Uy linh tiên (loại C.Manchurica Rupr.) có tác dụng bảo hộ chống thùy sau tuyến yên gây thiếu máu cơ tim, chống lại thiếu oxy.
- Dịch cồn lỏng chiết xuất rễ có tác dụng dục sản đối với chuột nhắt có thai thời kỳ giữa.
- Thành phần anemonin trong thuốc có tính kích thích gây mụn phỏng ngoài da, xung huyết niêm mạc.
- Nước sắc của thuốc có tác dụng ức chế tụ cầu vàng, trực khuẩn lî Shigella. Thành phần anemonin trong thuốc có tác dụng ức chế đối với một số khuẩn Gram dương và Gram âm, nấm.
Ứng dụng lâm sàng
1. Trị đau khớp do phong thấp, lưng gối đau nhiều
- Bột Uy linh tiên, mỗi lần uống 3 – 6g, ngày 2 lần, uống với rượu ấm.
- Uy linh tiên, Quế chi, Phụ tử, Khương hoạt đều mỗi thứ 6g sắc nước uống trị viêm khớp mạn tính , đau lưng gối.
- Thần ứng hoàn (chứng trị chuẩn thằng): Có Uy linh tiên, Quế tăm, Đương qui trị đau lưng do phong thấp hoặc ngã đau.
2. Trị đau bao tử cơ năng
Uy linh tiên 10g, sắc bỏ xác, cho vào 1 quả trứng gà trộn uống.
3. Trị hóc xương cá
- Uy linh tiên 10g, Sa nhân 3g, sắc nước ngậm uống.
- Uy linh tiên 30g sắc đặc uống hoặc uống với giấm. Khoa Ngũ quan Bênh viện 157 thuộc Quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc dùng trị cho 104 ca, có kết quả 87,6% ( theo báo Tân y học 1973,3:144).
4. Trị viêm cột sống phì đại 65 ca và chấn thương cơ vùng lưng 32 ca
Dùng dịch Uy linh tiên chích bắp đều có kết quả ( Qui Thành và cộng sự, báo Thông tin Trung thảo dược 1979,7:13).
5. Trị nấc cụt
Uy linh tiên và mật ong mỗi thứ 30g, sắc uống. Lý trụ Hoa dùng trị 60 ca có kết quả trên 90% ( Báo nghiên cứu Trung thành dược 1982,2:46).
6. Trị sỏi mật
Mỗi ngày dùng Uy linh tiên 30 – 60g sắc uống. Lục Hoan Thanh đã dùng trị 120 ca sỏi mật, kết quả 87%. Tác giả nghiên cứu chích thuốc cho thỏ phát hiện lượng mật tiết tăng nhiều, cơ vòng Oddi giãn rõ (Báo Trung y Hà nam 1987,6:22).
7. Phản ứng độc tính
Tác giả giới thiệu dùng lá nhỏ Uy linh tiên đắp ngoài ( 3 ca đắp lá tươi phản ứng mạnh, 1 ca đắp lá khô phản ứng nhẹ) da nổi mụn phỏng lớn, sưng đỏ đau, bóc da và để lại sẹo tím lâu hết (Lưu ngọc Thư, Học báo Trung y dược 1978,2:43).
Liều lượng và chú ý lúc dùng:
- Liều trung bình: 5 – 10g, có thể dùng tới 30g (trường hợp hóc xương cá hoặc lúc cần).
- Thuốc uống nhiều hại khí, đối với bệnh nhân suy nhược khí huyết hư dùng thận trọng.
Bảo quản: Để nơi khô ráo.
Kiêng kỵ:
- Huyết hư gân co, không phong thấp thực tả thì không nên dùng.
- Trong thời gian uống thuốc, không được dùng trà (Thực Dụng Trung Y Học).