Mô tả
- Cây thảo hay cây bụi nhỏ, sống nhiều năm, phân cành ngay từ gốc, thường mọc dựa, bò dài. Rễ có nhiều nốt sần. Thân và cành mảnh, nhẵn.
- Lá có 1 lá chét, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, mặt trên nhẵn màu lục bóng, mặt dưới nhạt phủ lông áp sát; cuống lá có cánh tạo bởi một đường viền dạng vảy; lá kèm hình mác dài và nhọn.
- Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùm, hoa nhiều khống cuống, xếp từng đối một, đài 4 răng họp thành hình chuông, tràng có cánh khum; nhị đơn thể, cái trên gần như rời; bầu có 4 – 7 noãn.
- Quả đậu gần hình trụ, mọc đứng, có viền ngang giữa các hạt, hơi có lông.
- Mùa hoa quả: tháng 8 – 10.
Phân bố, sinh thái
Chi Alysicarpus L. gồm các đại diện phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi và một số đảo lớn ở Thái Bình Dương. Ở Việt Nam chi này có 3 loài, trong đó có loài vảy ốc trên. Cây phân bố rộng rãi và gần như có thể thấy ở nhiều địa phương, khắp từ Bắc chí Nam. Bao gồm các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hải Dương, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Ninh Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắk, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu.
Vảy ốc là loại cỏ sống nhiều năm, ưa sáng, ưa ẩm và cũng có thể hơi chịu hạn. Cây thường mọc đám nhỏ trên đất nương rẫy cũ, ven đồi, bãi sông, ven đường đi hoặc trong các trảng cỏ thấp.
Bộ phận dùng:
Toàn cây phơi hay sấy khô, cũng có thể dùng tươi.
Công dụng
Cây vảy ốc được dùng chữa bị thương, bị đòn, ngã; sắc nước uống, đồng thời với việc dùng ngoài lá non giã với giấm đắp, xoa bóp cho đỡ đau.
- Ở Malaysia nước sắc rễ được dùng trị ho.
- Ở Philippin, cây vảy ốc là một cây họ Đậu được dùng làm thức ăn tốt cho ngựa và đại gia súc (Majunath B.L. et al., 1948).
- Ở Đài Loan, nước sắc cây vảy ốc được dùng làm thuốc dễ tiêu, đặc biệt ở trẻ em đã ăn quá nhiều [Perry L.M., 1980: 230].
- Ở Ấn Độ, cây vảy ốc được dùng trong y học dân gian trị vàng da (Sankaranarayanan A.S., 1988). Có tác dụng hạ sốt, được dùng điều trị các bệnh sốt như sốt thông thường, sốt trong các bệnh: giun chỉ, viêm phổi, thương hàn, sốt rét (Singh V.K. et al., 1994). Nước sắc lá vảy ốc cùng với lá Crataeva adansonii được dùng điều trị bệnh hoa liễu (Ayyamar M. et al., 2005).
Nguyễn kim thạch đã bình luận
Cây vẩy ốc có phải là cây thằn lằn bám tường không xin hình ảnh của cây ạ
Vũ Kim Anh đã bình luận
Chào Kim thạch, Hai loài dược liệu Vẩy ốc và Thằn lằn bám tường là hai loài khác hoàn toàn nhau ạ.