Mô tả
- Ở Việt Nam, cá ngựa có nhiều loài với kích thước và màu sắc khác nhau.
- Các loài đều có đặc điểm chung như sau: Thân dẹt bên, khá dày, cấu tạo bởi các đốt xương vòng, dài 5- 20cm, có loài dài đến 30cm. Đầu giống đầu ngựa nằm ngang vuông góc với thân hoặc gập xuống, đỉnh có chùm gai. Mõm hình trụ dài, miệng nhỏ, mắt to, lưng hơi võng, có vây to, bụng phình không có vây, vây ngực nhỏ, vây hậu môn rất nhỏ. Cá ngựa đực có túi ở bụng để hứng trứng do cá cái đẻ vào, nên nhiều người lầm đó là cá cái. Đuôi dài, xoắn tròn về phía trước, không có vây. Màu sắc thường là vàng, trắng, vàng- nâu, có khi pha đỏ và xanh đen nhạt. Khi bơi lượn trong nước, nhất là lúc cặp đôi vào mùa sinh đẻ, cá ngựa thay đổi màu sắc rất ngoạn mục.
Phân bố, sinh thái
- Cá ngựa sống ở biển, các vịnh, gần bờ ở độ sâu vài mét đến vài chục mét, có ở nhiều nơi trên thế giới. Ở Việt Nam, cá ngựa thường gặp ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An và dọc bờ biển các tỉnh phía nam từ Quảng Nam- Đà Nẵng đến Kiên Giang, nhiều nhất ở vịnh Hạ Long, Bình Thuận, Khánh Hoà. Cá bơi thẳng đứng và dùng đuôi cuộn bám vào thực vật hoặc san hô, ăn động vật nhỏ di động và thực vật thủy sinh. Cá di chuyển chậm và để tránh kẻ thù, nó thường ẩn nấp trong các thảm cỏ biển, rạn đá, rạn san hô. Cơ thể thay đổi màu sắc với môi trường xung quanh để tự bảo vệ. Mùa sinh đẻ của cá vào tháng 3- 7. Các loài cá ngựa được phát hiện là cá ngựa vàng (cá ngựa lớn, đại hải mã. – Hippocampus kuda Bleeker.), cá ngựa trắng (bạch hải mã- Hippocampus kelloggi Jordan et Snyder), cá ngựa chấm (cá ngựa ba khoang hay ba chấm, tam ban hải mã- Hippocampus trimaculatus Leach), cá ngựa gai (thích hải mã, thiết hải mã- Hippocampus histrix Kaup.), cá ngựa Nhật (Hippocampus japonicus Kaup.), cá ngựa mõm ngắn (Hippocampus brevirostris), cá ngựa Úc (Hippocampus phylloperexeques). Mùa khai thác được nhiều cá ngựa vào tháng 8- 9. Người ta không tổ chức đánh bắt riêng cá ngựa mà thường kết hợp khi đánh bắt các loại hải sản khác.
- Hai loài bị khai thác nhiều nhất là cá ngựa gai và cá ngựa ba khoang. Hàng năm, cả nước thu hoạch ước chừng 2- 4 tấn cá ngựa khô. Theo ước tính của các nhà nghiên cứu, hàng năm có khoảng 20 triệu con cá ngựa được tiêu thụ trên thế giới với mục đích chữa bệnh và nuôi làm cảnh. Một số nước như Australia, Ấn Độ, Argentina, Philippin đã có chương trình nuôi cá ngựa. Từ năm 1992 đến 1994, hai tỉnh Khánh Hoà và Bình Thuận đã phối hợp thực hiện đề tài nghiên cứu nuôi cá ngựa và cho cá đẻ để phát triển có kết quả tốt.
- Viện Hải Dương học Nha Trang cũng đã thành công trong việc thuần hóa, nuôi cá ngựa ăn thức ăn chết thay cho thức ăn sống như trước đây và đã thả hàng chục nghìn cá con ra biển để phục hồi và bảo vệ nguồn lợi tự nhiên này đang bị suy giảm.
Bộ phận dùng
Cả con cá ngựa, tên thuốc trong y học cổ truyền là hải mã, được chế biến cụ thể như sau: Cá bắt về, rửa sạch, mổ bụng, bỏ ruột, uốn đuôi cho cong tròn lại, rồi phơi hay sấy khô. Có người còn dùng bàn chải đánh sạch lớp màng da màu thẫm bên ngoài, rửa sạch rồi mới mổ. hoặc ngâm cá vào rượu hồi hoặc rượu quế một thời gian, rồi mới phơi hoặc sấy khô. Ở thị trường, người ta thường bán hai con cá ngựa buộc chung với nhau, một to, một nhỏ (tượng trưng cho con đực và con cái). Dược liệu hải mã giống như một giống dài, dẹt và cong, phần giữa to, mặt ngoài màu trắng ngà hoặc vàng nâu. Toàn thân có những đốt vân nổi rõ và nhô lén ở suốt dọc lưng, bụng và hai bên sườn như gai. Đầu gập xuống hoặc hơi choãi ra, đỉnh đầu có một u lồi, hai mắt lõm sâu. Đuôi thuôn dần và cuộn tròn vào phía trong. Chất nhẹ cứng. Thứ to, màu sáng đều, đầu và đuôi còn nguyên vẹn là loại tốt.
Tính vị, công năng
Hải mã có vị ngọt, mặn, mùi tanh (nếu không sao tẩm), tính ấm, không độc, có tác dụng làm ấm thận, tráng dương, gây hưng phấn, kích thích sinh dục, giảm đau.
Công dụng
- Cá ngựa đã được ghi vào sách thuốc cổ “Cương mục thập di” của Trung Quốc từ năm 1795. Dược liệu chữa thần kinh suy nhược, cơ thể yếu mệt, đau lưng nhất là ở người cao tuổi, phụ nữ đau bụng, đẻ khó, nam giới bất lực về sinh lý, đinh nhọt, sang lở. Ngoài ra, trong một số trường hợp, có thể chữa bệnh hen suyễn. Ngày dùng 4- 12g chia làm 3 lần dưới dạng thuốc bột hoặc làm viên uống với nước hoặc rượu. Dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như dâm dương hoắc, kỷ tử… Theo quan niệm của ngư dân vùng biển, cá ngựa để tươi ngâm rượu mới quý; do đó, trong mỗi chuyến ra khơi, họ thường mang theo hàng lít rượu trắng để ngâm ngay khi bắt được cá. Họ còn cho biết phải dùng một đôi cá ngựa, nhất là đôi cá đang “quấn nhau” và còn nguyên mắt mới tốt.
- Dùng ngoài, tán cá ngựa thành bột mịn, rắc chữa lở loét. Ở Trung Quốc, người ta dùng cá ngựa tươi nấu với thịt gà ăn làm thuốc bổ khí huyết, ôn thận dương.
Bài thuốc có cá ngựa
- Chữa liệt dương, đàn bà chậm có con do suy dương khí: Cá ngựa (30g, đã chế biến), bàn long sâm (30g), cốt toái bổ (20g), long nhãn (20g). Tất cả cắt nhỏ, ngâm trong một lít rượu trong 5- 7 ngày. Càng lâu càng tốt. Ngày uống 20- 40 ml. Người không uống được rượu, pha thêm nước và mật ong mà uống.
- Chữa thỏ khò khè: Cá ngựa (5g), đương quy (10g). sắc với 200ml nước còn 50ml, uống làm một lần trong ngày (Tài liệu nước ngoài).
- Chữa viêm thận mạn tính: Cá ngựa (1 con to) rang cho chín vàng giòn, tán bột; bầu dục lợn (1 quả) bổ đôi, rửa sạch, cho bột cá ngựa vào, buộc chặt. Hấp cách thuỷ, rồi ăn làm một lần trong ngày, liền trong 15 ngày (Tài liệu nước ngoài).
Ghi chú:
- Do hình thù lạ mắt, luôn chuyển màu trong nước, nên nhiều năm nay, người ta đã bắt đầu gây cá ngựa làm cá cảnh trong bể nuôi.
- Do bị săn bắt nhiều và xuất khẩu để làm thuốc, nên cá ngựa đã được ghi vào Sách Đỏ quốc gia để bảo vệ.