Mô tả
Thân to ở phần giữa, thuôn dần về phía đuôi. Đầu dẹt, mõm nhọn, miệng rộng hình cung. Lưng hơi nhô cao, màu xám nhạt, vây giữa lưng to, vây sau nhỏ. Bụng dẹt màu trắng có vây trước to. Vây đuôi có hai thuỳ, thuỳ trên dài hơn thuỳ dưới. Cá có kích thước từ vài chục centimet đến hàng chục mét và trọng lượng từ vài kilogam đến hàng chục tấn.
Phân bố, sinh thái
- Cá nước mặn, phân bố ở khắp các biển và đại dương.
- Ở Việt Nam, cá có nhiều ở vùng đảo Bạch Long Vĩ, Hòn Mê. Thường sống ở tầng sâu gần đáy, đôi khi lên tầng mặt. Ăn các loài cá nhỏ, động vật thân mềm, trôi nổi. Đẻ trứng hoặc đẻ con. Mùa sinh đẻ vào tháng 5- 8. Nhiều loài cá nhám có giá trị kinh tế và y học, thường được khai thác để lấy gan làm dầu cá (nhất là cá nhám voi và cá nhám kình), vây làm cước cá, thực phẩm đặc sản, thịt để ăn và da làm đồ mỹ nghệ.
Bộ phận dùng
Cá nhám được dùng làm thuốc với tên sa ngư gồm các bộ phận như thịt, gan và vây.
Thành phần hóa học
Thịt cá nhám chứa hàm lượng cao chất protid, 1,9% lipid trong đó, có 0,5% acid béo omega-3. Gan cá chiếm 10- 15% trọng lượng cơ thể của cá, chứa khoảng 50% dầu, có hàm lượng vitamin A và D cao hơn dầu gan cá thu.
Tính vị, công năng
Thịt cá nhám có vị ngọt, mặn, tính bình, không độc, có tác dụng bồi dưỡng cơ thể, tăng lực, trục ứ. Gan cá có vị đắng, tính bình, không độc, có tác dụng chống hư lao, bổ can tạng, làm sáng mắt. Vây cá có vị ngọt, mặn, ích khí, khai vị.
Công dụng
Theo các tài liệu cổ, cá nhám được dùng làm thuốc như cá giếc. Thịt cá nhám để tươi hoặc phơi khô ăn gỏi rất ngon. Thịt cá nhám (250g) nấu với râu ngô (25g) cho chín nhừ. Ăn cả cái lẫn nước (bỏ râu ngô) chữa bệnh đái đường. Gan cá nhám nấu với lá dâu non hoặc lá bìm bìm non, ăn chữa quáng gà. Dùng 5 -7 ngày. Dầu gan cá uống theo giọt có tác dụng bổ dưỡng như dầu gan cá thu. Dùng ngoài, da cá nhám tươi hoặc khô nấu với nước và ít muối cho đặc, bôi hàng ngày chữa ngón tay sưng đau và ngứa (Nam dược thần hiệu). Tia vây cá là đặc sản biển ăn ngon, được xếp hạng.