Mô tả
- Cây thảo, sống hàng năm hay nhiều năm. Thân hơi hóa gỗ, có lông hoặc nhẵn. Lá mọc so le, hình trái xoan hoặc thuôn, dài 8 – 15 cm, rộng 4 – 8 cm, gốc tròn, đầu nhọn, có phân thùy nhiều hay ít, hai mặt có lông tơ rất mịn, cuống lá dài 2-4 cm.
- Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, tím xanh hoặc tím nhạt; đài hình phễu, có 5 – 9 thùy không bằng nhau, hình mũi mác, tràng hình bánh xe với số cánh hoa không cố định và không đều, nhị có số lượng bằng số cánh hoa, chỉ nhị ngắn, bao phấn xếp thành vòng quanh nhụy, mở ở đầu, bầu hình cầu hoặc hơi dẹt, có nhiều ô.
Quả mọng, có hình dạng, kích thước, màu sắc tùy theo giống như:
- Cà tròn (Solanum melongena L. var. esculentum Nees) gồm cà bát xanh, cà bát trắng, cà tím.
- Cà dài (Solanum melongena L. var. serpentinum Bailey) gồm cà dái dê, cà dồi chó.
- Cà pháo (Solanum melongena L. var. depressum Bailey) gồm cà sung, cà xoan, cà dừa, cà tứ thời.
- Mùa hoa quả: tháng 3 – 6.
Phân bố, sinh thái
- Cà có nguồn gốc ở vùng biên giới giữa Ấn Độ và Mianma. Ở vùng này, cà đã được trồng từ xa xưa và hiện nay đang còn nhiều giống trồng trọt khác nhau với những dạng còn trong hoang dại. Một trung tâm được coi là có sự đa dạng cao của cà là Trung Quốc hoặc châu Phi. Ngày nay, cà là loại rau xanh được trồng hầu như khắp thế giới, từ các vùng có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm đến vùng cận nhiệt đới ôn hòa hoặc vùng ôn đới ấm. Tuy nhiên, chúng có biên độ sinh thái khác nhau tùy từng giống cà.
- Ở Việt Nam, các giống cà bát và cà pháo có lịch sử trồng trọt lâu đời, đồng thời cũng là các cây trồng quen thuộc với người nông dân ở khắp mọi miền đất nước. Còn cà dái dê thường chỉ thấy trồng xung quanh các đô thị lớn. Loại cài này có thể mới xuất hiện ở Việt Nam trong vòng 100 năm trở lại đây.
- Nhìn chung, các loại cà đều thuộc loại cây ngắn ngày, ưa sáng và ưa ẩm. Thời kỳ gieo trồng thích nghi cho cây sinh trưởng phát triển thường vào lúc thời tiết còn mát mẻ, như mùa xuân hoặc thu – đông, nhiệt độ trung bình 20 – 26°C. Hiện nay, ở các nước nhiệt đới Đông Nam Á hay Nam Á có những giống cà thích nghi với nền nhiệt độ cao hơn (25 – 30°C). Song hầu như không có loại nào có thể chịu được sương muối hay nhiệt độ trung bình dưới 15°C. Cà là loại cây sinh trưởng nhanh. Từ khi gieo hạt đến khi có hoa quả chỉ khoảng 1,5 – 2 tháng. Hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng hoặc tự thụ phấn: tỷ lệ thụ phấn tương đối cao.
- Cà là loại rau xanh quan trọng ở vùng Đông Nam Á, Nam Á, Trung Quốc va Địa Trung Hải. Sản lượng cà hàng năm trên thế giới ước tính gần 10 triệu tấn. Cà cũng là cây trồng ngày càng được phát triển ở Việt Nam.
Bộ phận dùng
Quả và toàn cây
Thành phần hóa học
- Quả cà chứa trigonelin, Stachydrin, cholin. Vỏ quả chứa nasunin, shisonin, delphinidin – 3 – monoglucosid (Trung dược từ hải II, 1996).
- Lá chứa 1, 2, 3, 4 – tetrahydroxynortropan, 4 – ethyl – 1, 2 – benzenediol (Dictionary of organic ompounds, 1982 – 2000, from DNP on CD – ROM, version 9 : 1).
- Cũng theo tài liệu trên, cà còn có melongosid F, melongosid H, melongosid K, melongosid M, solasonin, arginin glycosid.
- Theo tài liệu khác, cà có nasunin, lycoxanthin monohydroxylycopen, trigonelin, β amino – 4 – ethylglycoxalin, acid cafeic, acid clorogenic, acid neoclorogenic, 5 – nucleotid – 5 hydroxytryptamin, acid cyanhydric (vết). delphinidin.
- Quả còn có pectin 11%, acid oxalic. Hạt chứa dầu béo 21,2%, trong đó có nhiều acid linoleic.
(Nguyễn Thị Bích Thu, Luận án TS dược học 2002).
Tác dụng dược lý
Cao giàu flavonoid chiết từ phần trên mặt đất của cây cà có tác dụng kháng khuẩn in vitro đối với các vi khuẩn gram dương Bacillus subtilis, B. megaterium, Staphylococcus aureus và Micrococcus aureus, và kháng nấm đối với Canada albicans. Cao chiết với ethanol 80° từ lá cà tươi chứa quercetin 3 – O . Có tác dụng dụng chống viêm trên phù chân chuột cống trắng gây bởi caragenin và u hạt thực nghiệm gây bằng cấy viên bông dưới da lưng chuột cống trắng. Hoạt tính chống viêm có thể do ức chế prostaglandin. Alcaloid có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương. Cà được coi là kích thích chuyển hóa cholesterol ở gan. Lá và quả tươi hoặc khô đều gây hạ nồng độ cholesterol máu, tuy vậy tác dụng này không được xác minh trong thử nghiệm lâm sàng. Cao nước quả cà ức chế tác dụng của cholinesterase huyết tương người. Quả khô chứa chất gây bướu cổ.
Công dụng
Ngoài công dụng làm thức ăn, cà được dùng trong nhân dân làm thuốc lợi tiểu, thông mật, dự phòng chứng xơ vữa động mạch do tác dụng gây hạ Cholesterol máu. Rễ cây và quả sắc uống chữa tiểu tiện ra máu, đi ngoài ra máu, lỵ ra máu. Hạt cũng có tác dụng lợi tiểu. Ngày dùng 4 12g quả hoặc rễ khô, dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.