Theo đông y, mã đề có vị ngọt, tính lạnh, đi vào các kinh, can thận và bàng quang. Tác dụng chủ yếu của bông mã đề là lợi tiểu, tiêu độc, chữa đái rắt. Ngoài ra, loại thảo dược này còn có thể chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, chảy máu cam.
Liều dùng mỗi ngày là 10-20 gram toàn cây hoặc từ 6-12 gram hạt, sắc nước uống. Y văn cổ cũng ghi rằng mã đề có tác dụng mát máu, khử nhiệt, giúp sáng mắt, thông tuyến mổ hôi. Ngoài ra, hạt mã đề được sử dụng cho một số bài thuốc hiệu quả, chữa sỏi đường tiết niệu.
Mã đề cũng có tác dụng long đờm và trị ho. Thuốc viên bào chế từ mã đề đã được áp dụng trên lâm sàng, điều trị hiệu quả các bệnh viêm cấp đường hô hấp và chữa ho phục hồi tiếng nói ở bệnh nhân viêm thanh quản cấp. Cao chế từ nước mã đề đã được áp dụng cho hơn 200 bệnh nhân viêm amidan cấp.
Kết quả là 92% khỏi bệnh, 8% đỡ bệnh. Ngoài ra, tác dụng hạ sốt phục hồi số lượng bạch cầu của mã đề được đánh giá là tương đương các thuốc kháng khuẩn thường dùng. Là một cây thảo mộc, nhưng giới y học vẫn bị bất ngờ bởi những công dụng to lớn mà mã đề mang đến cho sức khỏe.
Các thử nghiệm lâm sàng đã cho thấy, mã đề đặc biệt là phần hạt, có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ ure-acid uric muối trong nước tiểu, do đó có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp và bệnh tiểu đường bên cạnh các thuốc đặc hiệu. Đặc biệt, nhờ có tính năng giúp cơ thể thải trừ acid uric trong máu, mà loại thảo dụng này đặc biệt tốt cho người bị bệnh gút.
Ở tuổi 50 trở đi, cơ thể rất dễ mắc bệnh vì chuyển hóa như béo phì, tiểu đường, thừa cholesterol. Nếu thường xuyên uống các loại trà thảo mộc như bông mã đề, chúng ta hoàn toàn có thể đẩy lùi nguy cơ mắc các chứng bệnh này.
Là một loại thảo dược, nên có một số đối tượng nên thận trọng khi dùng bông mã đề, đó là phụ nữ có thai cần hạn chế sử dụng loại cây này. Đối với người cao tuổi hay đi tiểu đêm, cũng nên tránh dùng mã đề vào buổi chiều tối vì tính năng lợi tiểu của nó.