Mô tả
- Cây nhỡ hay cây gỗ nhỏ, cao 5-10m; cành non, cuống lá và cuống hoa phủ lông ngắn màu nâu.
- Lá kép, lông chim mọc so le, trục lá và cuống lá thường có cánh, lá chét 7-13, mỏng, dài 5-12cm, rộng 2-5cm, mép có răng cưa thô; mặt dưới có lông ngắn màu nâu tro.
- Chùy hoa ở ngọn, hoa nhỏ, lưỡng tính, màu vàng trắng; lá đài 5-6; cánh hoa 5-6.
- Quả hạch tròn, đường kính 5mm, màu hồng, có lông màu tro trắng.
- Ra hoa tháng 6-7, có quả tháng 10-11.
Bộ phận dùng
- Rễ, lá, quả – Radix, Folium, Fructus Rhi Chinensis et Galla Chinensis.
- Ngũ bội tử là tổ do côn trùng Melaphis chinensis (Bell) Baker tạo ra trên lá cây muối, thu hái vào mùa thu, nhúng vào nước sôi hoặc đồ cho đến khi mặt bên ngoài có màu xám (Dược điển Trung Quốc 1997, bản in tiếng Anh).
Thành phần hóa học
Ngũ bội tử chứa galotanin 60 – 77%, thành phần phức tạp, trọng lượng phân tử là 1434. Thành phần chủ yếu là pentaundecagaloyl glucose, 1, 2, 3, 4, 6 – penta – O – galoyl – β- D – glucose (Trung dược từ hải I, 1993).
Hạt chứa tanin 50 – 70%, có khi 80%, thành phần chủ yếu là penta – m – digaloyl – β – glucose. Ngoài ra còn có acid galic 2 – 4%, lipid, nhựa, tinh bột, acid hữu cơ, acid tartric, acid citric, flavonoid (Trung dược lừ hải II, 1996).
Rễ có flavon, phenol, acid hữu cơ, tanin, dầu béo. Nhiều chất đã được phân lập từ rễ là acid galic, 7 – hydroxy – 6 – methoxycoumarin, scopoletin, methyl galat, 3, 7, 4′ – trihydroxyílavon 3, 7, 3′, 4′ – tetrahyciroxyflavon, fisetin, quercetin (Trung dược từ hải II, 1996).
Từ cây muối, người ta còn chiết tách được β- silosierol, 3 – (heptadecvl) – catechol (CA 121:153.321 x).
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống siêu vi khuẩn bệnh herpes (HSV), và làm tăng tác dụng chống HSV của acyclovia in vitro và in vivo: Trên chuột lang gây nhiễm HSV tip 2 (HSV – 2) hồi quy ở âm đạo, cây muối cho uống để dự phòng với liều tương đương liều cho người, làm giảm tỷ lệ nhiễm, mức độ nặng và tần số của thương tổn da tự phát và nặng so với chuột lang gây nhiễm uống nước.
Tác dụng ức chế vi khuẩn: Từ ngũ bội tử đã phân lập methyl galat (MG) và acid galic (AG) có tác dụng ức chế các vi khuẩn Bacieroides fragilis, Clostridium perfringens, c. paraputrificum, Escherichia coli, Eubacterium limosum và Staphylococcus aureus. MG ức chế yếu các chủng Bifidobacterium animalis, B. bifidum, B. breve, B. infantis, B. thermophilum, Lactobacillus acidophilus, L. plantarum và Streptococcus faecalis.
Tác dụng kéo dài thời gian đông máu, thành động mạch:
- Trong cao chiết với n – hexan thân cây muối, hoạt chất acid 6 – pentadecylsalicylic có hoạt tính kháng thrombin và kéo dài thời gian đông máu phụ thuộc vào liều trong thử nghiệm tương tác thrombin – fibrinogen.
- Cao ức chế cyclooxygenase và lipoxvgenase là enzym quan trọng tham gia vào quá trình kết tập tiểu cầu, do đó có thể có tác dụng điều trị huyết khối và xơ cứng động mạch. Phân đoạn tan trong ether của cao có tác dụng trên chuyển hóa acid arachidonic ở tiểu cầu thỏ.
Tác dụng trên thận:
Trong nghiên cứu về tác dụng trên bệnh thận do immunoglobulin A, bằng thử nghiệm tác dụng trên tăng sinh tế bào màng nâng cuộn mao mạch người, cao methanol thô cây muối ức chế sự tăng sinh tế bào người được hoạt hóa bởi interleukin – 1β (IL – 1β) và IL – 6, và làm giảm sản sinh IL – Iβ và yếu tố hoại tử u – α (I NF – α).
Tác dụng hạ đường huyết:
Ngoài ra, cao còn ức chế sự biểu hiện của IL – 1β m RNA. Toàn cây muối, chiết với cồn ethylic 50°, có tác dụng hạ đường máu trên chuột cống trắng gây đái tháo đường thực nghiệm.
Tác dụng trên gan:
Cao ngũ bội tử và thành phần chính acid galic, cho uống hoặc tiêm phúc mạc cho chuột cống trắng dược gây viêm gan bằng carbon tetraclorid, có tác dụng dự phòng sự tiến triển tổn thương gan cấp tính.
Tính vị, công năng
- Ngũ bội tử có vị chát, hơi chua, tính bình, vào ba kinh: phế, thận, đại trường, có tác dụng liễm phế, cầm máu, làm săn.
- Lá và rễ cây muối có vị mặn, tính mát, có tác dụng hạ sốt, cầm máu.
Công dụng
Ngũ bội tử được dùng chữa ho, tiêu chảy, lỵ mạn tính, lỵ ra máu, vàng da, nôn ra máu, chảy máu cam, ra nhiều mồ hôi, ngộ độc. Dùng ngoài, trị mụn nhọt, lở loét. Ngày 2 – 5g dạng thuốc sắc. Ngậm dung dịch 5 – 10% để điều tri các vết loét trong miệng.
Lá và rễ cây muối (40g) sắc uống chữa cảm sốt, ho ra máu, sởi. Lá sắc uống thay chè để giải nhiệt, dự phòng cảm nắng, chữa bị thương, kết hợp đắp ngoài.
Ở một số nước Đông Nam Á, ngũ bội tử được dùng uống làm thuốc làm săn, trị chảy máu, tiêu chảy, lỵ và ho đờm, đắp ngoài trị mụn nhọt, lở loét. Đôi khi quả cây muối được dùng trị tiêu chảy.
Ở Trung Quốc, ngũ bội tử uống là thuốc bổ, giải độc, hạ nhiệt, dịu cơn khát và cầm máu. Còn dùng trị di tinh, chảy máu nhiều, bệnh giun, đau răng. Dịch ép lá muối uống trị rắn độc cắn; bôi đắp tại chỗ trị chấn thương do mọi nguyên nhân, bệnh ngoài da mạn tính, bỏng, và súc miệng trị bệnh răng miệng. Ngày 0,5 – 2 g, dùng tại chỗ dạng thuốc sắc.
Ở Ấn Độ, ngũ bội tử được dùng làm thuốc uống làm săn và long đờm, và bôi ngoài trị trĩ, sưng tấy và vết thương. Quả hãm uống trị đau bụng, lỵ, tiêu chảy.
Bài thuốc có ngũ bội tử
- Chữa đi lỵ ra máu lâu ngày: Dùng Ngũ bội tử 1 lạng (40g). Phèn phi 5 đồng cân (20g) tán bột viên với hồ, uống với nước cơm mỗi lần 2g đến 8g, ngày uống 2-3 lần (Nam Dược thần hiệu).
- Chữa ho lâu ngày, khạc ra máu: Dùng Ngũ bội tử sao tán nhỏ, uống mỗi lần 4g với nước chè vào sau bữa ăn, ngày uống 2-3 lần (Nam Dược thần hiệu).
- Chữa loét lợi và Đau răng: Dùng Ngũ bội tử xát xỉa vào chỗ đau.
- Lòi dom, lở loét, vết thương: Rửa bằng dung dịch 5-10% Ngũ bội tử.
- Thủy thũng: Vỏ rễ cây Muối 4-8g, nấu nước uống.
Vuvanchu đã bình luận
Cay này thuòng có ở miền nào của viẹt nam
Lê Đào đã bình luận
Chào bạn! Ở Việt Nam, cây muối gặp nhiều trong tự nhiên, phân bố rải rác khắp ở nhiều tỉnh miền Bắc, miền Trung như (Quản Bạ, Yên Minh) Hà Giang, (Bát Xát) Lào Cai,…