Mục lục
Mô tả cây
- Cây nhỏ hay cây to, có kích thước lớn, có thể cao 8-10m hoặc lớn hơn.
- Lá mọc so le hình trái xoan, gốc tròn hoặc thuôn, đầu nhọn thành mũi, mép khía răng cưa, mặt trên nhẵn bóng.
- Hoa mọc đơn độc, hoặc 2-3 cái ở kẽ lá, màu trắng; lá bắc dễ rụng; đài 5 răng không đều, tràng 5 cánh; nhị nhiều xếp thành 4-5 dãy, dính vào gốc tràng; bầu 3 ô, có lông.
- Quả nang tròn, có 3 cạnh; hạt gần tròn đôi khi hơi nhăn nheo.
- Mùa hoa quả: tháng 11-3.
Phân bố, thu hái và chế biến
Chi Camellia L. có khảng 45 loài, thường là những cây bụi hay cây gỗ, phân bố vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Chè là một cây có nguồn gốc Trung quốc. Nhân dân Trung quốc đã biết dùng chè từ 2.500 năm trước công nguyên, sau tới Nhật bản và nhiều nước Châu á khác. Hiện nay cây chè được trồng ở nhiều nước. Liên xô cũ cũng rất phát triển việc trồng chè. Ở nước ta chè được trồng nhiều nhất tại các tỉnh Phú Thọ, rồi tới Tuyên Quang, Hà giang, Thái Nguyên, các tỉnh miền Nam cũng trồng rất nhiều (Quảng Nam, Đà Nẵng, Đắk Lắk, Lâm Đồng)
Bộ phận dùng
- Lá chè dùng tươi hay phơi khô và được chế biến thành chè xanh và chè đen.
- Chè dùng làm thuốc hái vào mùa xuân: hái búp và lá non. Vò rồi sao cho khô giống như cách chế chè hương để pha nước uống của nhân dân. Cho nên ta có thể dùng chè (hương hay tàu chè) làm thuốc.
Không dùng chè đen hay chè mạn là những lọai chè đã cho lên men rồi mới phơi sấy khô.
Thành phần hóa học
- Trong lá có chứa tới 20% tannin là một chất có tác dụng làm săn da, sát khuẩn mạnh. Ngoài ra còn cafein với tỷ lệ 1,5-5%, một số vitamin B1, B2,C
- Đặc biệt tannin trong chè có tác dụng như một vitamin P vì đây là hỗn hợp của các catechin và dẫn xuất của catechin có cấu trúc hóa học của vitamin P.
Tác dụng dược lý
Tác dụng chống đái tháo đường
Ở chuột nhắn trắng, dùng alloxan gây thoái hóa tế bào tụy và gây hoại tử đảo tụy, kết quả là đường huyết tăng gấp đôi. Dùng chè với liệu 10g/kg và dùng alloxan, đường huyết không tăng, chứng tỏ chè ức chế sự tăng đường huyết do alloxan
Trên thỏ bình thường, dùng chè với liều 1,5g/kg, đường huyết giảm 50-60%
Tác dụng làm tăng tiêu hao năng lượng, mỡ thừa
Thử nghiệm lâm sàng trên thanh niên khỏe mạnh, tuổi 25, từ gầy đến thừa cân, Chế độ ăn chuẩn để suy trì cân nặng. Kết quả là khi uống viên thuốc có chiết xuất chè xanh, mức độ sử dụng năng lượng chung và năng lượng từ chất béo tăng hơn, so với khi chỉ uống 50mg cafein.
Tác dụng chống oxy hóa
Các chất trong chè có khả năng chống oxy hóa. Hoạt lực của hai chất catechin và ba chất flavonol trong chè mạnh hơn vitamin E gấp 1,3 đến 32 lần.
Tính vị, công năng
Chè có vị đắng, chát, hơi ngọt, tính mát, vào kinh can thận, có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, tiêu cơm, lợi tiểu, làm cho đầu óc thư thái, da thịt mát mẻ, chống mỏi mắt, mụn nhọt.
Công dụng
Chè được dùng trong các trường hợp mệt mỏi, ngủ nhiều, đau đầu, mắt mờ, sốt, khát nước, tiểu tiện không thông, ngộ độc rượu.
- Đang dùng thông thường là lá chè tươi nấu nước uống hoặc dùng chè khô hãm nước sôi uống.
- Dùng ngoài, nước chè rửa vết thương, vết bỏng, hoặc lở loét để làm se da và chóng lên da non.
Tuy nhiên, chè cũng có thể gây tác hại như sau:
- Nếu sử dụng lâu dài với liều cao, chè có thể gây nhiễm độc mạn tính, biểu hiện là mất ngủ, gầy yếu, mất cảm giác ngon miệng, rối loạn thần kinh.
- Chè gây khó ngủ nếu uống vào buổi tối hoặc trc khi đi ngủ
- Chè gây kích thích thần kinh.
Bài thuốc có chè
- Chữa tiêu chảy, kiết lỵ: Búp chè, búp ổi mỗi thứ một nắm, sao vàng, sắc uống
- Chữa phù thũng: Chè tươi 300g, nấu nước uống, mỗi ngày 2-3 lít. Dùng 3-4 ngày.